Làm sao để cân bằng cuộc sống khi việc gì cũng quan trọng?
Lý thuyết 4 bếp lửa: vấn đề và giải pháp
Xin chào. Tuần trước các bạn có nhiều kỉ niệm đáng nhớ không?
Mong rằng các bạn nữ đã có một dịp 8/3 vui vẻ bên gia đình, bạn bè, và người đặc biệt.
Trong những dịp đặc biệt như vậy, mình lại càng thấm thía hơn với việc cân bằng các mảng quan trọng trong cuộc sống.
Sức khỏe
Gia đình
Sự nghiệp
Tài chính
Quan hệ
Và còn rất nhiều nữa…
Với con người hiện đại, mà lại còn là một knowledge worker, rất khó để chia rõ rành rành ranh giới giữa các mảng khác nhau.
Tới một điểm, mình cảm giác như cuộc sống như một mớ bòng bong hỗn độn.
Việc cũ thì dở dang.
Việc mới thì chồng chất.
Cái gì cũng khẩn cấp.
Chẳng một phút nhẹ đầu.
Đến một giai đoạn, bạn sẽ mang những lo toan ngoài kia lên giường ngủ.
Tự hỏi sao lúc nào mình cũng mệt mỏi.
Thiếu ngủ triền miên, có ngủ thì lòng cũng không được yên với những mớ hỗn độn bên ngoài.
Khó chịu với những người gần mình khi họ chẳng hiểu mình.
Bắt đầu có những thú vui tiêu khiển để quên đi (một cách tạm thời), cảm giác bất lực vì không thể kiểm soát nổi cuộc sống của mình nữa.
Facebook, TikTok, Insta, Threads, Netflix, Shopee bất tận
Game gủng mọi phút rảnh
Những văn hóa phẩm linh tinh
Dường như là một vòng xoáy bất tận.
Làm sao để bẻ gãy cái loop này, và tự do hơn?
Lý thuyết “Bốn bếp lửa”
Lý thuyết “Bốn bếp lửa” được đề cập bởi James Clear (tác giả Atomic Habits), ví cuộc sống như một bếp có bốn lò: gia đình, bạn bè, sức khỏe, công việc. Để thành công, bạn cần tắt bớt một lò; để thành công xuất sắc, bạn phải tắt hai lò. Điều này thể hiện một thực tế: bạn không thể cân bằng mọi thứ cùng lúc – nếu bạn dàn trải quá nhiều, bạn sẽ khó đạt đến đỉnh cao trong bất kỳ lĩnh vực nào.
3 cách “chia lửa” để tối ưu cuộc sống
Thuê “bình ga” bên ngoài – Nhờ sự hỗ trợ từ người khác để duy trì các bếp lửa, nhưng điều này có thể làm giảm sự kết nối cá nhân với những khía cạnh quan trọng trong cuộc sống.
Chấp nhận giới hạn – Thay vì mong muốn có nhiều thời gian hơn, hãy tập trung tối ưu thời gian hiện có, làm chủ những gì bạn có thể kiểm soát để đạt hiệu quả cao nhất.
Giữ lửa theo “mùa” – Thay vì cố gắng cân bằng tất cả cùng lúc, hãy ưu tiên từng lò theo từng giai đoạn. Ví dụ, giai đoạn 20-30 tuổi tập trung vào công việc và sức khỏe, đến khi lập gia đình thì dồn sức cho gia đình nhiều hơn.
Nghe đến đây, thấy cũng khá hợp lí, nhưng có một điểm cần lưu ý thế này…
Vấn đề của lý thuyết 4 bếp lửa
Lý thuyết cho rằng, nếu muốn làm tốt, bạn có thể tập trung vào tối đa hai lĩnh vực cùng lúc. Nhưng nếu bạn thật sự muốn xuất sắc, bạn chỉ nên chọn đúng một thứ để tập trung tuyệt đối, và tất cả những mảng khác phải tạm thời “tắt” đi.
Nhưng vấn đề là:
Nếu bạn “tắt” một khía cạnh quá lâu, rất khó (thậm chí gần như không thể) để bật nó trở lại sau này. Bởi những mảng trong cuộc sống không đứng yên chờ bạn:
Quan hệ, khi không chăm chút, sẽ dần xa cách và rạn nứt.
Sức khỏe thể chất, khi bỏ bê, sẽ ngày càng suy yếu.
Sức khỏe tinh thần, nếu bị bỏ quên, sẽ dần sụp đổ.
Mục đích sống và sự phát triển bản thân, nếu không nuôi dưỡng, sẽ dần mai một.
Đây là hiệu ứng lãi kép theo hướng tiêu cực—một khi bạn đã để mọi thứ tụt dốc, việc kéo nó trở lại rất khó khăn. Giống như khi bạn giảm từ 100 xuống còn 50, bạn sẽ cần tăng trưởng 100% mới quay lại mức cũ. Mà điều này ngày càng khó thực hiện theo thời gian.
Thời gian là thứ khan hiếm và quý giá nhất. Cuộc sống không kéo dài mãi. Một sự đầu tư ngay lúc này chắc chắn sẽ có giá trị hơn rất nhiều so với việc trì hoãn một (hoặc vài) năm sau.
Như một câu nói mình đã từng nghe được và rất thấm thía:
"Ngày hôm nay là ngày bạn trẻ nhất trong suốt quãng đời còn lại."
Chính cái “thôi để sau” là điều nguy hiểm nhất (mà khổ cái là bạn lại không dễ nhìn thấy ngay):
“Sau này mình sẽ làm công việc mình mong muốn.”
“Sau này mình sẽ quan tâm bố mẹ nhiều hơn.”
“Sau này mình sẽ chăm lo sức khỏe hơn.”
“Sau này mình sẽ tiết kiệm tiền.”
Nhưng đáng buồn thay, cái “sau này” ấy thường sẽ trở thành “không bao giờ”, vì những điều đó không còn giữ nguyên trạng thái như bây giờ nữa:
Khả năng học hỏi của bạn không còn nhanh nhẹn nữa.
Cha mẹ sẽ không còn mãi bên bạn.
Bạn bè, người yêu sẽ không luôn luôn chờ bạn.
Sức khỏe sẽ dần đi xuống nếu không được duy trì.
Tài chính nếu không tiết kiệm đủ lâu thì sẽ rất khó để tích lũy.
Nếu cứ giữ mãi tư duy bật/tắt và chờ tương lai “sau này”, ắt hẳn ở tương lai ấy, chỉ còn lại một “bạn” đầy tiếc nuối.
Nếu cần làm gì thì làm luôn đi, hoặc bạn sẽ hối hận vì mình đã không làm sớm hơn.
May mắn là, chúng ta có một cách làm khác, khả thi hơn và cân bằng hơn.
Giải pháp: Núm vặn to nhỏ
Như bạn có thể thấy, các loại bếp ga bây giờ đều có núm vặn để điều chỉnh độ to nhỏ của ngọn lửa.
Vì vậy, bạn không cần tắt bật hoàn toàn bất kì một mảng nào trong cuộc sống cả.
Hãy hình dung các mảng quan trọng trong cuộc sống của bạn như những núm vặn ánh sáng, thay vì chỉ là công tắc bật/tắt. Mỗi khi bạn muốn tập trung tuyệt đối vào một thứ, bạn sẽ vặn nó sáng mạnh hơn, đồng thời giảm độ sáng của những thứ còn lại xuống mức thấp hơn.
Điều này nghĩa là bạn sẽ chỉ dành cho những lĩnh vực ít ưu tiên hơn những hành động rất nhỏ nhưng mang lại hiệu quả lớn theo thời gian.
Lối duy này dựa trên hai nguyên lý cốt lõi:
1. Cuộc sống chia theo mùa
Có những giai đoạn bạn sẽ tập trung cho sự nghiệp, lúc khác là gia đình, có khi lại ưu tiên sức khỏe. Việc bạn thay đổi trọng tâm là hoàn toàn bình thường, vì bạn luôn là một người năng động và không cố định.
2. Duy trì ở mức thấp > tắt hẳn
Mình trước đây hay theo kiểu perfectionism (chủ nghĩa hoàn hảo) và overthinking nên thường có xu hướng nghĩ:
"Không tập được đủ 1 tiếng thì thôi nghỉ luôn đi tập tành gì", hay
"Không được 2 tiếng deep work thì thôi chỉ làm mấy admin task để giết thời gian thôi".
Nhưng thực ra là:
Mọi thứ dù nhỏ nhất (miễn là lớn hơn 0) đều tích lũy và cộng hưởng.
Duy trì mức thấp giúp bạn không bị mất hoàn toàn momentum (đà), giữ bạn luôn ở trong cuộc chơi.
Thấp vẫn lớn hơn 0.
Ví dụ, nếu bạn đang ở độ tuổi 25-30, có lẽ nên tập trung cao độ vào phát triển sự nghiệp và tài chính. Đó là núm vặn bạn đặt ở mức sáng cao nhất. Nhưng những núm còn lại, bạn vẫn cần để liu riu bằng những hành động nhỏ mỗi ngày:
Quan hệ: Mỗi ngày nhắn một tin nhắn hoặc gọi nhanh cho bạn bè vào giờ nghỉ.
Sức khỏe: Dành 30 phút vận động mỗi ngày, dù chỉ là đi bộ, yoga nhẹ nhàng hoặc tập nhanh tại nhà.
Gia đình: Định kì về thăm nhà và ăn cơm với người thân.
Dù rất nhỏ nhưng những hành động này sẽ giúp bạn duy trì và phát triển từ từ, ngay cả khi trọng tâm của bạn đang đặt ở lĩnh vực khác.
Case thực tế của mình
Ở độ tuổi gần 30, mình vẫn hằng ngày đi tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời, và đang dần tỏ tường hơn những năm trước.
Ở độ tuổi gần 30, mình biết nếu có điều gì đó quan trọng mà mình không làm ngay, mình sẽ không bao giờ làm được nữa.
Ở độ tuổi gần 30, mình tập trung vào những điều quan trọng, và liu riu những điều còn lại, thậm chí tắt hẳn một số thứ không cần thiết.
Đây là 1 điều mình áp dụng cho mỗi chiếc bếp lửa trong cuộc sống:
1. Sức khỏe (liu riu)
Tập thể dục đều đặn 30 phút - 1 tiếng mỗi ngày.
Mình chọn các bài cardio nhẹ nhàng vào buổi sáng và/hoặc buổi chiều để duy trì mức năng lượng trong ngày.
Mình không tập gym nặng hay duy trì chế độ khốc liệt của marathon.
Đây là vài gợi ý bạn có thể tham khảo:
Đi bộ 30 phút mỗi ngày
Bơi 2-3 lần mỗi tuần
Khi ngủ dậy: làm nhanh 5 chống đẩy, 5 squat, 30 cái jumping jack và plank 30 giây.
2. Gia đình (vặn to)
Là người đàn ông mới lập gia đình, mình càng ngày càng hiểu rõ hơn giá trị của gia đình.
Nhìn lại, số mùa xuân còn lại bên ông bà, bố mẹ không phải là nhiều tựa vô hạn như ngày bé nữa.
Còn gia đình nhỏ mới khởi đầu thì cần gây dựng qua thời gian dài để vững vàng trước bao sóng gió cuộc đời.
Vì vậy, mỗi khoảnh khắc bên cạnh gia đình đối với mình đều rất đáng quý.
Tận dụng mọi cơ hội về quê thăm ông bà và họ hàng khi còn có thể
Thường xuyên về nhà ăn cơm với bố mẹ và em
Dành thời gian nấu cơm, làm việc nhà, trò chuyện cùng vợ
3. Sự nghiệp (vặn to)
Gần đây mình đọc Slow Productivity của Cal Newport (tác giả của Deep Work).
Trong quyển sách đó, có 3 nguyên tắc cốt lõi:
Làm ít việc hơn
Làm một cách từ tốn
Coi trọng chất hơn lượng
Cụ thể, ông khuyến nghị làm rõ và tập trung vào 3 ưu tiên quan trọng nhất ở công việc hiện tại, liên tục tìm idea cho giải pháp mới và nâng cao hiệu suất đối với những gì mình làm.
Mình, với tư cách là một người rất tham công tiếc việc, và đôi khi còn lan man, rất tâm đắc điều này từ Cal.
Mình bắt đầu giới hạn các phần chính của công việc, và tập trung làm tốt những việc đang làm hơn là cố nhận thêm mọi thứ cứ mỗi khi được yêu cầu.
Công việc vừa êm ái thảnh thơi, lại vừa cứng cỏi nghiêm túc.
4. Mối quan hệ (liu riu)
Hằng tuần dành ra 1 hoặc 2 buổi để gặp gỡ những người có ảnh hưởng lớn tới cuộc đời của mình (những người thầy, những vị tiền bối đi trước, những người bạn bè thân thiết).
Chỉ chọn những mối quan hệ và dành thời gian chất lượng sâu sắc chứ không networking loạn xạ.
Không biết có phải do bản chất hướng nội của mình hay không, nhưng mình thấy việc có nhiều kết nối nông không hiệu quả cho lắm.
Nếu mình biết quá nhiều người mà không thực sự quen thân với ai, đến lúc kết nối nói chuyện với họ sẽ rất khó để cảm thấy đồng điệu.
Như vậy, thậm chí còn để lại tác dụng ngược ấy chứ.
Vậy nên, cá nhân mình tập trung và nuôi dưỡng những mối quan hệ chất lượng qua thời gian dài.
Tóm lại thì
Bạn chẳng thể kham hết tất cả 4 cái bếp cùng cháy phừng phừng.
Nhưng bạn cũng chẳng nên tắt lịm bất kì cái bếp nào, bởi khi đã tắt đi, bếp nguội, rất khó để bật lại.
Hãy chăm sóc cho đầy đủ các mảng trong cuộc sống.
Mặt khác, cũng hãy hiểu rõ các ưu tiên và tập trung của bản thân mình, vào từng giai đoạn khác nhau.
Mong rằng bạn sẽ sống một cuộc đời ý nghĩa.
Với mỗi hành động nhỏ hôm nay, đều là một bước đưa bạn đến gần hơn tới cuộc đời đáng sống của bản thân.
Làm sao để thiết kế cuộc đời đáng sống, đó lại là chủ đề cho một bài viết khác.
Hãy cho mình biết dưới bình luận nếu bạn muốn đọc thêm về chủ đề đó nhé!
Chúc bạn cuối tuần vui, đầu tuần vui, giữa tuần vui.
Tác giả:
Mời bạn đọc thêm:
Cảm ơn bài viết của bạn. Tuổi trẻ các bạn rất tuyệt vời. Chúc mừng nhé