Để giỏi hơn, chúng ta đều cần trải qua những cảm giác khó chịu
Bạn có bao giờ cảm thấy tim đập thình thịch, tay run run khi phải làm một điều gì đó hoàn toàn mới mẻ chưa?
Chẳng hạn như lần đầu đứng trước đám đông để thuyết trình, hay khi bạn quyết định học một ngôn ngữ lạ lẫm mà chỉ nghe thôi đã thấy đau đầu. Cảm giác đó chẳng dễ chịu chút nào, đúng không?
Nhưng nếu mình nói với bạn rằng chính những phút giây khó chịu ấy lại là “thời khắc quyết định” để bạn trở nên giỏi hơn, bạn có tin không?
Khi sự khó chịu mở ra cánh cửa mới
Hãy tưởng tượng bạn ghét viết lách – chỉ nghĩ đến việc ngồi xuống gõ vài dòng là đã thấy ngán. Nhưng rồi bạn quyết định thử, mỗi ngày viết một chút.
Lúc đầu, bạn có thể thấy bực bội vì câu từ cứ lủng củng, ý tưởng thì rời rạc. Dần dần, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mình viết mượt mà hơn, thậm chí còn thích thú với nó.
Đó chính là cách mà sự khó chịu giúp bạn trưởng thành – không chỉ trong viết lách, mà còn trong bất kỳ lĩnh vực nào, từ học guitar cho đến những việc quản lý dự án, networking.
Việc đối mặt với sự khó chịu có thể giúp chúng ta phát triển vượt bậc, đặc biệt là trong học tập. Khi bước ra khỏi vùng an toàn, bạn buộc bản thân phải thích nghi, sáng tạo và kiên trì hơn.
Trong cuốn sách Hidden Potential (Tiềm năng ẩn giấu), tác giả Adam Grant kể về Sara Maria Hasbun – một cô gái đa ngôn ngữ đã vượt qua những ngày đầu ngượng ngùng, lắp bắp để trở thành người kết nối cộng đồng qua ngôn ngữ.
Grant bảo rằng sự phát triển không chỉ nằm ở tài năng trời sinh, mà còn ở những phẩm chất như sự can đảm và sự quyết tâm, thứ mà bạn chỉ rèn được khi dám đối diện với khó khăn.
Có một bài viết trên Scientific American từng nhắc đến chuyện những người dám bước vào tình huống khó chịu – như tham gia một khóa học mới hay đọc những ý kiến trái chiều – thường cảm nhận được sự phát triển rõ rệt trong bản thân.
Một nghiên cứu năm 2022 từ Psychological Science cũng cho thấy điều tương tự: trong số hơn 2.000 người tham gia, những ai được khuyến khích đối mặt với khó chịu có động lực mạnh mẽ hơn và đạt được nhiều mục tiêu cá nhân hơn so với những người cứ mãi “trốn” trong vùng an toàn.
Vậy làm sao để chúng ta biến cảm giác khó chịu thành “người bạn đồng hành” thay vì kẻ thù? Mình nghĩ có ba loại can đảm mà ai cũng cần: bỏ đi cái cũ, dám nhảy vào thử thách dù chưa sẵn sàng, và chấp nhận rằng mình sẽ sai nhiều hơn. Nghe thì đơn giản, nhưng thực hành thì chẳng dễ chút nào. Quan trọng là bạn phải nhớ: sự thoải mái không đến khi bạn bắt đầu, mà nó sẽ từ từ xuất hiện khi bạn không bỏ cuộc.
Ba “vũ khí” để đối đầu với khó chịu
Để không bị cảm giác khó chịu “đánh bại”, bạn cần trang bị cho mình ba loại can đảm này:
1. Từ bỏ lối mòn quen thuộc
Đôi khi, cái cũ tuy an toàn nhưng lại là rào cản khiến bạn không tiến lên được. Ví dụ, mình từng biết một cô giáo dạy văn luôn trung thành với cách giảng bài khô khan, đọc-chép.
Một ngày, cô quyết định thử phương pháp mới: để học sinh tự đóng vai nhân vật trong sách. Ban đầu, cô căng thẳng vì không quen, nhưng rồi lớp học trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Bỏ cái cũ không dễ, nhưng nó giống như bạn rời con đường mòn để khám phá một cánh rừng mới vậy.
2. Dám mạo hiểm dù chưa sẵn sàng
Bạn có bao giờ trì hoãn một việc chỉ vì cảm thấy “chưa đủ giỏi” chưa? Mình cũng từng như thế, khi lần đầu được đề cử làm người dẫn dắt cho một webinar. Mình rất sợ sẽ nói lắp hay quên lời, nhưng cuối cùng mình vẫn “nhắm mắt nhảy đại”. Kết quả? Không hoàn hảo, nhưng mình học được cách bình tĩnh hơn.
J.K. Rowling cũng từng bị từ chối hàng chục lần trước khi Harry Potter ra đời – nếu bà ấy chờ “sẵn sàng”, có lẽ chúng ta đã không có bộ sách huyền thoại ấy. Hay bí quyết để Sara Maria Hasbun trở thành một người cực kỳ giỏi về ngôn ngữ là cô ấy bắt đầu nói và giao tiếp với người nước ngoài ngay từ những ngày đầu. Cô ấy không đợi mình đủ giỏi một ngôn ngữ rồi mới bắt đầu giao tiếp, cô ấy giao tiếp ngay từ đầu để tích lũy kinh nghiệm từng ngày.
3. Chấp nhận sai lầm là bạn
Sai lầm không phải là thất bại, mà là bài học. Thomas Edison đã thử hàng ngàn lần để làm ra bóng đèn, và mỗi lần thất bại là một lần ông tiến gần hơn đến thành công.
Lần đầu mình học đạp xe, mình cũng mất thăng bằng rồi ngã liên tục rồi lại tông vào cột điện. Nhưng nhờ thế mà giờ mình có thể đạp xe mà chẳng một chút ngại ngần. Sai thì đã sao, miễn là bạn đứng dậy và thử lại.
Làm sao để “thuần hóa” cảm giác khó chịu?
Cảm giác khó chịu là một phần tự nhiên trong cuộc sống, đặc biệt khi chúng ta đối mặt với những thử thách mới, học hỏi kỹ năng mới, hoặc bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Thay vì xem nó như một trở ngại, chúng ta có thể học cách “thuần hóa” nó để biến nó thành động lực thúc đẩy sự phát triển cá nhân.
1. Đặt ra mục tiêu tham vọng:
Một cách hiệu quả để đối phó với cảm giác khó chịu là đặt ra các mục tiêu lớn, vượt xa khả năng hiện tại của bạn.
Điều này buộc bạn phải đối mặt với sự không thoải mái, nhưng đồng thời tạo ra một tầm nhìn dài hạn để bạn tập trung vào thay vì cảm giác tiêu cực nhất thời. Quan trọng là bạn cần chia nhỏ mục tiêu thành các bước cụ thể, có thể đo lường được, để giảm bớt áp lực và tạo cảm giác thành tựu dần dần.
Hãy tưởng tượng bạn là một người chưa từng chạy bộ nhiều, nhưng bạn quyết định tham gia một cuộc đua marathon 42 km trong 6 tháng tới. Ban đầu, việc chạy 3 km thôi cũng khiến bạn thở hổn hển và muốn bỏ cuộc vì cơ thể mệt mỏi, chân đau nhức.
Nhưng thay vì từ bỏ, bạn lập kế hoạch: tuần đầu chạy 3 km ba lần, tuần sau tăng lên 5 km, rồi 10 km sau một tháng. Mỗi lần hoàn thành một cột mốc nhỏ, bạn cảm thấy tự hào hơn, và cảm giác khó chịu ban đầu dần chuyển thành sự phấn khích khi thấy bản thân tiến bộ.
2. Nhìn nhận sự khó chịu theo hướng tích cực:
Thay vì coi cảm giác khó chịu là điều tiêu cực, hãy nhìn nó như một tín hiệu tích cực rằng bạn đang thử thách bản thân và tiến bộ. Khi bạn thay đổi cách nhìn nhận, khó chịu không còn là kẻ thù mà trở thành người bạn đồng hành trong hành trình phát triển.
Điều này đòi hỏi bạn phải tập trung vào ý nghĩa của việc mình đang làm thay vì cảm giác tức thời.
Nếu bạn đang giảm cân và cảm thấy khó chịu vì phải từ bỏ đồ ăn yêu thích, hãy nghĩ: “Mình đang hy sinh một chút để có sức khỏe tốt hơn và tự tin hơn.” Khi thấy cân nặng giảm hoặc quần áo vừa hơn, bạn sẽ nhận ra rằng sự khó chịu là cái giá xứng đáng để đạt được mục tiêu.
3. Tích cực tìm kiếm sự khó chịu:
Thay vì né tránh, hãy chủ động đặt mình vào những tình huống thử thách để làm quen với cảm giác khó chịu.
Điều này giúp bạn xây dựng khả năng chịu đựng và biến khó chịu thành một phần quen thuộc của cuộc sống. Bằng cách đối mặt với nó thường xuyên, bạn sẽ dần cảm thấy thoải mái hơn và tự tin hơn khi xử lý các tình huống tương tự.
Giả sử bạn làm việc trong lĩnh vực bán hàng và sợ bị từ chối, hãy tự đặt mục tiêu gọi điện cho 20 khách hàng tiềm năng mỗi ngày, dù biết nhiều người sẽ nói “không.”
Mỗi lần bị từ chối, bạn cải thiện cách tiếp cận khách hàng, và dần dần, cảm giác khó chịu khi bị từ chối sẽ giảm đi, thay vào đó là sự kiên nhẫn và kỹ năng thuyết phục khách hàng tốt hơn.
Hãy bắt đầu từ những bước nhỏ ngay hôm nay, mỗi lần bạn vượt qua cảm giác khó chịu, bạn sẽ trở thành phiên bản mạnh mẽ hơn của chính mình.
Lời kết
Khó chịu không phải là thứ để chúng ta sợ, mà là dấu hiệu bạn đang đi đúng hướng. Mỗi lần bạn dám bước qua cảm giác ấy, bạn không chỉ giỏi hơn mà còn khám phá ra những điều tuyệt vời về chính mình.
Mình từng nghĩ bản thân chẳng bao giờ đủ kiên nhẫn để đọc một quyển sách nhưng hiện tại thì mình đã có thể tự tin đặt mục tiêu có thể đọc được 52 cuốn sách trong 2025. Dù mục tiêu này có thất bại, ít nhất là mình đã có một khả năng đọc sách rất rất tốt so với 1 năm trước.
Tác giả: Tấn Thức | Content creator tại Insightful Creations
Bạn có thể tham khảo bài viết khác về những chia sẻ giúp bạn phát triển bản thân: