Tại sao cần kiên trì đều đặn để thành công to?
3 cái chậm của cái nhanh và 3 giải pháp
Một tuần nữa lại trôi qua, mấy hôm nay bạn thấy thế nào?
Có phải nhiều việc quá, nên làm gì cũng phải nhanh, phải vội không?
Trong một thế giới chẳng ai có thời gian, ai cũng cần phải nhanh nhanh chóng chóng.
Cần tìm hiểu gì đó? Google phát, Gemini cho câu trả lời ngắn luôn.
Muốn hóng phốt? Lướt Facebook hồi là biết ngay.
Chán quá? Bấm vào TikTok và cứ lướt thôi.
Chúng ta đã quá quen với việc có mọi thứ ngay lập tức. Và đây có thể là vấn đề.
Nhờ sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, chúng ta học nhanh hơn, làm nhanh hơn, chơi nhanh hơn, ăn nhanh hơn, uống nhanh hơn,... Điều này vô hình chung trở thành một thói quen cho não bộ thời hiện đại.
Cơn nghiện nhanh chóng không cho phép ta làm bất cứ điều gì mà cần kiên nhẫn hay đòi hỏi nhiều thời gian.
Vòng lặp dopamine
Dopamine là chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến động lực và phần thưởng. Mỗi khi bạn hoàn thành một nhiệm vụ, nhận một thông báo mới, hoặc thử một công cụ mới, bộ não tiết ra dopamine – khiến bạn cảm thấy vui ngay lập tức.
Đây là lý do tại sao:
Bạn cảm thấy hào hứng khi mua một cuốn sổ mới, nhưng sau đó lại không viết gì mấy.
Bạn chờ trực tải một ứng dụng quản lý công việc, nhưng vài ngày sau lại bỏ bê.
Bạn xem một video truyền cảm hứng và nghĩ rằng mình sẽ thay đổi cuộc đời, nhưng vài hôm sau lại như cũ.
Tất cả những điều này không phải do bạn lười nhác hay thiếu quyết tâm. Mà là vì bộ não của bạn đã rơi vào vòng lặp dopamine.
Mọi việc bạn làm giờ đây đều là để cảm thấy vui ngay lập tức.
Bạn đang không thực sự làm việc để tạo ra thành quả trong dài hạn. Bạn chỉ đang tìm kiếm cảm giác "mình đang làm gì đó".
Sự lạc lối của tốc độ
Mình đã từng trải qua môi trường startup, big corp, và cả những công ty ở tầm giữa giữa, đang tăng trưởng.
Có một câu mình nghe được từ một anh startup founder nói rằng:
“Đi nhanh mà đâm đầu vào đá thì nhanh để làm gì.”
Bạn biết là mình bây giờ không được lướt TikTok nữa, phải làm việc đi!
Nhưng bộ não lại thích phần thưởng nhanh cơ. Thế nên, thay vì kiên trì xây dựng điều gì đó có ý nghĩa, chúng ta tìm kiếm những giải pháp ngay lập tức.
Bạn muốn năng suất hơn? Tải ngay app quản lý công việc!
Bạn muốn tập trung hơn? Mua ngay tai nghe chống ồn!
Bạn muốn thành công? Học "10 bí quyết thành công trong 30 ngày"!
Bạn có nhận ra không? Những thứ này không thể giúp bạn đi xa được.
Chúng ta luôn cố gắng đi tìm “viên đạn bạc” - giết luôn quái vật chỉ bằng một phát bắn duy nhất, hàm ý chỉ những giải pháp cực kì đơn giản cho vấn đề cực kì phức tạp.
Dù đúng là trong quá khứ, người ta đã tìm ra penicillin, một loại kháng sinh có thể tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn.
Nhưng tư duy lúc nào cũng cố gắng đi tìm quick fix (giải pháp chữa cháy nhanh) sẽ khỏa lấp đi hành trình tìm giải pháp đích thực.
Thực tế phũ phàng là:
Không gì có thể chuyển hóa bạn ngay lập tức.
Những gì trường tồn đều cần thực hành dài hạn.
Khi mới bắt đầu viết, mình nghĩ rằng:
Mình cần thiết kế website cho chuyên nghiệp vào
Mình cần phải mua 5 tool để tối ưu quá trình viết lách
Mình cần học 12 khóa để tìm được công thức viết tối ưu
Mình cần lên kế hoạch hoàn hảo, ngày nào giờ nào viết cái gì
Và điều đó đã tốn của mình 2 năm đi tìm hiểu mày mò, mà không bắt đầu viết một chữ nào.
Ừ thì có website đấy, nhưng chẳng có bài viết nào trên đó cả
Ừ thì có tool đấy, nhưng chẳng thấy dùng bao giờ hết luôn
Ừ thì có công thức đấy, nhưng có viết thường xuyên đâu
Ừ thì có lịch tuần đấy, nhưng áp dụng được có 1 ngày
Sau tất cả, những giải pháp nhanh mình tìm kiếm, chẳng thể mang lại kết quả thực sự, nếu thiếu đi hành động khởi đầu và thực hành thường xuyên.
3 cái chậm của cái nhanh
Nếu bạn liên tục tìm kiếm giải pháp nhanh, có thể bạn còn đang đi chậm hơn so với những người chậm mà chắc ngay từ đầu.
1. Bạn chỉ mải mê đi tìm giải pháp nhanh, chứ không thực sự thực hiện giải pháp
Bạn liên tục search và đọc về năng suất, nhưng không thực sự làm việc hiệu quả.
Bạn dành thời gian nghiên cứu phương pháp, nhưng không áp dụng được gì lâu dài.
2. Bạn lặp lại vòng tròn thử - bỏ.
Bạn thử một công cụ → Cảm thấy có động lực → Bỏ sau một thời gian.
Bạn thử một phương pháp → Thấy nó không có tác dụng ngay → Tìm phương pháp khác.
3. Bạn mất đi khả năng suy nghĩ sâu.
Khi gặp khó khăn, thay vì tìm cách giải quyết, bạn tìm một công cụ mới để "sửa chữa".
Khi muốn học một kỹ năng, bạn tìm cách "hack" thay vì thực sự rèn luyện.
Kết cục là: Bạn trở thành nạn nhân của Dopamine Feedback Loop.
Giải pháp: Xây dựng nền móng bền vững thay vì tìm kiếm giải pháp nhanh
Làm sao để thoát khỏi cái bẫy này? Bạn cần một hệ thống đơn giản và vững chãi giúp bạn phát triển bền vững.
1. Công cụ là phương tiện, không phải giải pháp
Không có công cụ nào giúp bạn thành công ngay lập tức.
Điều quan trọng là cách bạn sử dụng công cụ để hỗ trợ quá trình của mình.
Và điều quan trọng hơn cả là HÀNH ĐỘNG.
Chọn một công cụ đơn giản nhất để bạn có thể hành động được, và rồi học hỏi và cải tiến dần dần.
Đối với mình, mình chẳng hề bắt đầu phức tạp với Notion hay các thể loại template quá đỗi mất thời gian để học hỏi mà không thực sự tạo ra kết quả.
Mình chỉ bắt đầu với các app sẵn có của Apple: Notes, Reminders, Calendar.
Đơn thuần là
Chia Apple Notes thành các folder nhỏ hơn để quản lí các mảng trong cuộc sống
Chia Reminders thành các mục nhỏ dành cho các việc cần làm luôn hay làm sau
Phân bổ các công việc lên Calendar để biết mỗi lúc mình cần phải làm gì
Chỉ như vậy thôi, cuộc sống đã dễ thở hơn rất nhiều rồi.
(Nếu bạn muốn mình chia sẻ nhiều hơn về hệ thống đơn giản này, hãy cho mình biết ở comment nhé!)
2. Kiên trì và tính lặp lại quan trọng hơn tốc độ
Bạn không cần làm nhanh, bạn cần làm đều đặn.
Trong rất nhiều trường hợp, mình thấy một số người khi được truyền cảm hứng thì hùng hục lao vào làm việc trong một khoảng thời gian ngắn với kì vọng sẽ đạt được thành quả ngay.
Một hồi sau, dù cho có đạt được thành quả hay không thì rồi cũng lại bỏ bẵng, khiến cho công việc chẳng thể duy trì bền lâu.
Không đâu xa, chính bản thân mình cũng như vậy.
Có những đợt, mình tham gia các thử thách viết 30 ngày, liên tùng tục hì hục đến căng não ra.
Nhưng chỉ một hồi sau khi viết xong 30 ngày đó là lại bỏ bẵng.
Đó không phải sự phát triển bền vững, đó chỉ là những “nỗ lực ảo” mà thôi.
Đáng ra…
Viết 1 bài blog mỗi tuần tốt hơn là viết 10 bài rồi bỏ.
Đọc 10 trang sách mỗi ngày tốt hơn là đọc 1 cuốn rồi dừng lại.
Học 15 phút mỗi ngày tốt hơn là học 5 giờ rồi quên luôn.
Còn nếu bạn muốn một bộ hành động cụ thể hơn cho 2025 thì mình có viết ở đây:
3. Nhẫn nại là lợi thế chiến lược
Người thành công không phải là người nhanh nhất.
Warren Buffett, một trong những nhà đầu tư vĩ đại nhất mọi thời đại, đã sử dụng nguyên tắc về tăng trưởng kép để tăng tài sản của mình đến vượt bậc trong suốt cuộc đời của ông từ một chàng thanh niên với tài sản bình thường:
Ông được mệnh danh là ông vua của tăng trưởng kép.
Và để dễ hình dung với những người không chuyên về kinh tế tài chính, ông có một câu như này:
Bản chất của tăng trưởng kép là nó như một quả bóng tuyết.
Cái quan trọng là ta cần một sườn đồi dài.
Thực sự câu này quá hay, và ông đã hình tượng hóa sức mạnh của tăng trưởng kép chỉ bằng 2 câu.
Rất nhiều người chỉ tích lũy được một thời gian ngắn đã bỏ cuộc.
Trong khi, thành công to sẽ đến ở phía rất xa về sau nếu ta kiên trì chờ đợi.
Đó là cách Warren Buffett đã nâng tài sản từ 10 nghìn đô lên 147 tỉ đô trong 75 năm.
Vì ông có một cái “sườn đồi đủ dài”.
Tóm lại
Mình chỉ mong bạn nhớ được 3 điều này:
✔ Vòng lặp dopamine khiến bạn nghiện kết quả nhanh, nhưng điều đó không đồng nghĩa với sự tiến bộ thực sự.
✔ Tư duy “viên đạn bạc” khiến bạn tin rằng có một giải pháp hoàn hảo, nhưng thực tế không có thứ gì thay đổi bạn ngay lập tức.
✔ Giải pháp không nằm ở công cụ hay mẹo vặt, mà nằm ở hệ thống phát triển bền vững và sự kiên trì qua thời gian dài.
Bạn muốn thực sự tiến bộ? Hãy…
Chậm lại.
Xây dựng hệ thống.
Và kiên trì.
Cách duy nhất để thoát khỏi vòng lặp dopamine, là từ chối bước vào nó một lần nữa.
Tác giả: Hiếu being.
Đọc thêm:
Cảm ơn anh vì bài viết. Em cũng công nhận tính lặp lại mỗi ngày là điều sẽ giúp mình đi xa, mỗi ngày dù ít hay nhiều đều thực hành 1 điều gì đó mà không bỏ cuộc thì đã vươn lên so với rất nhiều người ngoài kia
Cảm ơn bạn