Vật lí, hôn nhân và mọi khó khăn trong cuộc sống
Và 3 "đừng" khi đối mặt với các khó khăn ấy
Thế là hết Tết, ngày mai lại đi làm rồi, bạn đang bận lòng vì điều gì?
Tiền bạc?
Công việc?
Sức khỏe?
Gia đình?
Tình cảm?
Dù là bất cứ khó khăn gì, mình mong là những chia sẻ này có thể giúp ích được bạn.
Mình lấy chuyện hôn nhân của mình làm minh hoạ, nhưng ý tưởng lớn này có thể áp dụng cho nhiều mảng khác trong cuộc sống.
Bối cảnh
Đây là cái Tết đầu tiên mình có vợ.
Quay đi quay lại, rồi chẳng mấy chốc lại cán mốc một năm hai đứa lập gia đình.
Chắc chắn, lấy vợ vào cảm giác mình có nhiều thứ cần phải lo toan hơn.
Nhớ lại thời điểm tầm 1 năm trước, cũng là dịp Tết, mình đã phải lo lắng đến mức độ như thế nào để lo liệu cho quyết định quan trọng nhất cuộc đời này.
Doppler Effect (Hiệu ứng Doppler)
Ngày xưa khi học Vật lí, bố mình hay nhắc tới hiệu ứng Doppler. Nội dung của hiệu ứng là như này (theo Wikipedia):
Hiệu ứng Doppler là một hiệu ứng vật lý, đặt tên theo Christian Andreas Doppler, trong đó tần số và bước sóng của các sóng âm, sóng điện từ hay các sóng nói chung bị thay đổi khi mà nguồn phát sóng chuyển động tương đối với người quan sát.
Một tiếng còi trên xe cấp cứu tiến đến ta sẽ có tần số cao hơn (chói hơn) khi xe đứng yên. Tần số này giảm dần (trầm hơn) khi xe vượt qua ta và nhỏ hơn bình thường khi xe chạy ra xa.
Ông này nói cái quái gì, tại sao hôn nhân lại liên quan đến vật lí?
Thời điểm chuẩn bị cưới vợ, mình đã lo lắng rất nhiều, liệu rằng hai đứa có thể sống hòa thuận với nhau hay không.
Phải nói thật, mình đã nghe câu chuyện rất nhiều anh em bạn bè, sau khi lấy nhau chỉ vài tháng, nhận ra những điểm xấu của nhau, thành ra không chịu được, rổi bỏ ngang.
VTV còn nhắc tới một khái niệm gọi là "Ly hôn xanh":
Một khái niệm mới để chỉ những cuộc hôn nhân sớm nở tối tàn, kết thúc nhanh sau đám cưới, thường trong vòng 5 năm kể từ khi kết hôn.
Theo thống kê, mỗi năm nước ta có khoảng 2 triệu lượt kết hôn và tỷ lệ ly hôn là 600.000 cặp, tức là cứ 4 cặp kết hôn sẽ có 1 cặp ly hôn.
Nhóm có tỷ lệ ly hôn cao nhất thuộc về giới trẻ, từ đủ 18 - 30 tuổi, tỷ lệ này chiếm tới 70%. Đặc biệt, nhóm tuổi này ly hôn trong khoảng thời gian từ 1 - 5 năm chung sống là nhiều nhất, chiếm tới 60%, thậm chí có những trường hợp đến với nhau chỉ vài tháng, hoặc vài ngày. Lý do đưa ra, cũng muôn màu muôn vẻ.
Khi thử việc, người ta có 2-6 tháng để thử job, nếu không ổn thì bai bai.
Nhưng hôn nhân không phải thử việc, vì đây sẽ là người gắn bó suốt đời, chuyện này chẳng chơi.
Cũng rất tự hào rằng chúng mình cũng đã yêu thương hòa thuận xuyên suốt nhiều năm, cũng có track record khá khẩm so với nhiều đôi uyên ương thời hiện đại.
Tuy nhiên, mình chẳng thể tránh khỏi những lo lắng.
Đặc biệt, những tháng đầu tiên là những lúc khó khăn nhất, bởi đang từ hai nơi riêng, giờ đây bập vào ở chung.
Bao nhiêu điểm xấu lộ ra hết, vì không thể giấu mãi 24/24.
Sau này, mình nhận ra, tình yêu, đặc biệt là khi đi đến hôn nhân, là yêu những khuyết thiếu (imperfection) của nhau, hơn là kì vọng chỉ những điều tốt đẹp (perfection) về nhau.
(Mình sẽ nói kĩ hơn về điều này ở bài khác, mời bạn đăng kí để nhận tin sớm nhất về bài viết mới từ mình nhé!)
Trước - Trong - Sau - lại Trước
Trước hôn nhân với nhiều lắng lo là thế.
Thậm chí, mình còn sợ cưới đến mức nghĩ rằng hay là thôi cứ kệ, đến đâu thì đến.
Nhưng chính suy nghĩ rằng "mình không thể bỏ lỡ người quan trọng của cuộc đời" đã khiến mình hành động.
Theo Doppler, khi tiếng còi đang ập tới, cảm giác nó sẽ rất chói, rất khó chịu, và càng lúc càng chói, càng khó chịu.
Còn trong khi bước vào cuộc rồi, mình sẽ chẳng còn tâm trí cho bất cứ nỗi lo nào nữa đâu, vì mọi thứ đều chuyển sang "action mode":
What's the next action?
And the next,
and the next,
...
Trong lúc vào guồng rồi thì mọi sự chỉ còn là những gì hiện hữu ngay trước mắt.
Và rồi, khi nỗi sợ, nỗi lo qua đi, hành động đã được thực hiện xong,
ta nhìn lại,
thấy không còn đáng sợ đến thế.
Như tiếng còi xe theo Doppler là tần số sẽ giảm dần, sự căng thẳng sẽ giảm dần, tiếng còi sẽ trở nên trầm hơn.
Rốt cuộc, sẽ đi vào thinh lặng, chỉ còn một con người mạnh mẽ hơn đã bước ra khỏi nỗi sợ.
Hai đứa mình giờ đã hiểu nhau hơn, trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn, lắng nghe nhau nhiều hơn, cùng nhau tương trợ, cùng nhau trải nghiệm cuộc sống muôn màu.
Không phải vượt qua có mấy tháng đầu thế là xong, vì trong cuộc sống còn nhiều khó khăn ai mà biết trước, mà lại ập đến với cường độ tăng dần.
Chính vì thế, mỗi bước trưởng thành lại là một hành trang để vững đi những chặng tiếp theo.
Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân.
Trước, Trong, Sau rồi lại Trước.
Trước này lại khác Trước xưa,
Mỗi năm một lớn, một chừa, một khôn.
Từ vật lí, đến hôn nhân, đến mọi khó khăn trong cuộc sống
Trước khi bước vào bất cứ một thử thách nào, trông thử thách ấy đều có vẻ không thể vượt qua được.
Ôi, thôi khó quá không làm nữa đâu...
Hay thôi, an phận thế này cũng được rồi.
Cố nữa chắc gì đã đi tới đâu, sao phải khổ thế?
Một cảm giác thường thầy khi bước ra khỏi vùng an toàn.
Khi đến một thành phố mới.
Khi nhận một công việc mới.
Khi đứng trước nghìn người và bắt đầu nói.
Nhưng nếu không vượt qua được Comfort Zone, bạn sẽ chẳng thể tới được Growth Zone.
Khi đã phát triển rồi, sau này nhìn lại những khó khăn mình đã vượt qua, lòng đầy tự hào.
Chẳng phải, trong cuộc đời bấy lâu bạn đã vượt qua ngàn chông gai, để sống tới tận bây giờ hay sao?
3 "đừng" khi đối mặt với khó khăn
Khi tiếng còi đang lao tới, nó nghe thật chói tai, gần như át hết mọi thứ xung quanh. Nhưng ngay khi nó chạy qua, âm thanh ấy dần nhỏ lại rồi biến mất.
Cuộc sống cũng vậy: khi khó khăn ập đến, ta cảm thấy như đang chìm xuồng, vô cùng đáng sợ, nhưng một khi đã vượt qua, ta nhìn lại và thấy nhẹ nhàng, tự hào vì ta đã dám đương đầu với thử thách.
Dưới đây là 3 "đừng" - giúp bạn giữ vững tinh thần khi đối mặt với thử thách:
1. Đừng chỉ nhìn vào khó khăn trước mắt
Những lúc gặp khó khăn, bạn sẽ cảm thấy như thể nó sẽ kéo dài mãi.
Nhưng thực ra, chẳng có điều gì tồn tại mãi cả, dù là vui hay buồn.
Lần trước gặp khó bạn cũng nghĩ thế mà: “không biết bao giờ mới hết khổ".
Nhưng rồi mọi chuyện đã trôi qua đấy thôi.
Khi gặp chuyện khó khăn, hãy tự hỏi:
"Liệu một năm nữa mình có còn bận tâm về chuyện này không?"
Thay vì tự hỏi “Tại sao chuyện này lại xảy ra với mình?”
Hãy hỏi “Mình có thể học được gì từ việc này?”
Đời có lúc thăng lúc trầm.
Nếu đang ở giai đoạn khó khăn, nghĩa là giai đoạn tốt đẹp cũng đang tới.
2. Đừng đứng yên khi khó khăn ập đến
Nếu bạn tiếp tục bước đi, âm thanh sẽ nhanh chóng nhỏ dần.
Thử thách đằng nào cũng đang ập tới rồi, cách nhanh nhất để vượt qua là lao thẳng vào và đi qua nó.
Khó khăn bị khuếch đại lên khi ta không làm gì cả, chỉ ngồi đó lo lắng, khiến cho "cái khó bó cái khôn".
Hành động, dù chỉ là nhỏ nhất.
Lo lắng về tài chính? Kiểm tra và giảm bớt chi tiêu.
Thất tình? Tắt điện thoại và ra ngoài gặp bạn bè.
Layoff? Bắt đầu sang sửa CV và đi tìm job.
Tập trung vào những gì bạn kiểm soát được.
Bạn đâu thể ngăn trời không mưa.
Nhưng bạn hoàn toàn có thể mang theo ô để tránh bị ướt.Xẻ nhỏ vấn đề.
Khi thử thách quá lớn khiến bạn căng thẳng, hãy tập trung vào bước đầu tiên cái đã.
3. Đừng quên bạn đã từng vượt qua ngàn chông gai rồi
Hiệu ứng Doppler cho ta thấy âm thanh thay đổi theo khoảng cách.
Lúc gần thì lớn, lúc xa thì nhỏ.
Nỗi lo của bạn cũng vậy, lúc đầu thì kinh khủng, lâu dần bạn sẽ thấy nó không quá kinh khủng như bạn nghĩ.
Và đó chính là cơ hội để bạn trưởng thành.
Tóm lại là
Khó khăn của bạn hôm nay cũng mang hiệu ứng Doppler.
Ngay lúc này cảm giác như thiên tai.
Nhưng một ngày nào đó, nó chỉ còn là câu chuyện bạn kể lại.
Buông xuôi, thì sẽ chẳng còn câu chuyện nào để kể nữa.
Xin được kết bài bằng Bene Gesserit Litany (Kinh cầu nguyện của các nữ tu trong phim Dune) như sau:
Phần tiếng Việt viết bởi Hải Stark, Spiderum:
Ta không được sợ hãi.
Sợ hãi giết chết tâm trí.
Sợ hãi là cái chết nhỏ mang đến sự phá hủy hoàn toàn.
Ta sẽ đối mặt với nỗi sợ.
Ta sẽ để nó đi khắp người ta và xuyên qua ta.
Rồi khi nó đã đi qua, ta sẽ mở nội nhãn để nhìn đường đi của nó.
Ở những nơi nỗi sợ đi qua chẳng còn gì cả.
Chỉ còn lại chính ta.
Thân mến,
Hiếu being.