Làm bạn cùng quá khứ
Quá khứ là thứ luôn khiến mình tự dằn vặt bản thân, tự ti, xấu hổ về xuất phát điểm,... Những điều mình chuẩn bị viết dưới đây sẽ thể hiện rõ quan điểm và sự thay đổi của bản thân.
Thế nào được gọi là quá khứ?
Quá khứ là một thuật ngữ thường dùng để chỉ tất cả các sự kiện xảy ra trước một mốc thời gian cho trước. Đối lập với hiện tại và tương lai. Khái niệm về quá khứ bắt nguồn từ việc con người nhận thức tính tuyến tính của thời gian, quá khứ được xem xét thông qua trí nhớ và hồi tưởng. Sau khi phát minh ra ngôn ngữ, con người đã bắt đầu việc lưu trữ quá khứ - Wikipedia.
Quá khứ là đối tượng của nhiều lĩnh vực, câu chuyện khác nhau,...Nhưng ở đây mình muốn nói “quá khứ về cảm xúc”. Tuy chỉ là một cụm từ tưởng chừng như đơn giản, nhưng lại ẩn chứa rất nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc. Là những câu chuyện, ký ức: hân hoan tột độ, nụ cười rạng rỡ, vài kỉ niệm đẹp, những rung động, bài học, sự tổn thương. Mà mỗi chúng ta đều cần phải có “quá khứ”, bởi vì nó là một phần không thể thiếu, để hình thành nên bản sắc riêng biệt với mỗi cá nhân ở hiện tại và cả tương lai.
Có những quá khứ mang theo cảm xúc, dù đã đi qua, nhưng vẫn sống mãi trong lòng.
Quá khứ là một thứ không bao giờ lành, cũng chẳng thể quên, nhưng đồng thời cũng là nguồn động viên, là những kỉ niệm mà mình luôn trân trọng. Trở thành tù nhân của quá khứ rất dễ, nhưng để chấp nhận và rút ra bài học từ nó, phải cần thời gian, sự trợ giúp của một người nào đó xuất hiện trong cuộc đời bạn.
Quá khứ là “vết nhơ” hay “viên ngọc quý”?
Tuỳ từng cá nhân, mỗi người đều sẽ có một khái niệm riêng về quá khứ của mình. Người thì cho quá khứ là vết nhơ, nhưng có người lại cho rằng quá khứ là một viên ngọc quý. Bởi vì sao?
“Vết nhơ” nghĩa là đối với họ đã có nhiều tổn thương, những trải nghiệm tiêu cực,... làm cho họ mang nỗi ám ảnh day dứt, khó quên hay chưa được chữa lành những vết thương đó.
Chúng ta có thể sẽ tự trách về bản thân, thậm chí cố gắng né tránh những điều hiện tại làm gợi nhớ về quá khứ.
Đối với mình 1 vài năm về trước, luôn tự nhủ và than vãn tại sao mình lại thiệt thòi đến thế, tại sao bạn bè của mình có trọn vẹn hai chữ “gia đình” nhưng mình thì không, họ có tiếng cười rôm rả trong mỗi bữa cơm. Tại sao mình phải sinh ra trong hoàn cảnh thế này, bất công thế nhỉ.
Những điều này, gắn bó với mình đến khi mình lớn, nó luôn đi theo để làm cho mình mất niềm tin về việc lập gia đình, tự ti xuất phát điểm, về tin tưởng một ai đó, có nhiều quan điểm sai lệch về tình yêu, về người bạn khác giới,...
“Viên ngọc quý” nghĩa là đối với họ, quá khứ là điều khiến họ trở nên mạnh mẽ, kiên cường hơn ở hiện tại hoặc tương lai. Đó còn là một kho tàng kinh nghiệm quý giá, giúp cho chúng ta hoàn thiện bản thân hơn.
Mỗi lần nhìn lại, nhận ra chúng ta đã trưởng thành, đã học cách chấp nhận và vượt qua nỗi đau, tha thứ cho một ai đó.
Tin yêu cuộc sống, và trở nên yêu đời hơn.
Đây là mình của hiện tại, xem những điều xảy ra trong quá khứ là một bài học, để hoàn thiện bản thân trong thời điểm hiện tại. Mình mạnh mẽ đối diện, tôn trọng cả bản thân và biết ơn những điều đã xuất hiện trong cuộc sống của mình. Tha thứ và bao dung cho những câu chuyện đã xảy ra trong quá khứ, nó làm mình nhẹ nhõm rất nhiều so với trước đây.
Quan sát và biết cách chấp nhận
"Quan sát và chấp nhận quá khứ" là một hành trình đầy thử thách nhưng cũng vô cùng ý nghĩa, dẫn dắt mình đến với sự bình an nội tâm và chữa lành những vết thương lòng.
Để thực hiện hành trình chữa lành này, chúng ta cần trang bị cho mình những "công cụ" và sự “hỗ trợ” cần thiết, như một vài bước mình liệt kê dưới đây:
Nhận thức (mình từng nhận thức bằng cách ngồi thiền ở một nơi yên tĩnh hoặc nghe Podcast)
Điều quan trọng nhất là chúng ta phải ý thức được sự hiện diện của những ký ức tiêu cực trong quá khứ và thừa nhận ảnh hưởng của chúng lên cuộc sống hiện tại. Chúng ta dành thời gian để suy ngẫm về những trải nghiệm đã qua, xác định những sự kiện, ký ức khiến ta tổn thương và ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của bản thân. Điều này mình thường lặp đi lặp lại vào mỗi sáng hoặc cách ngày mình sẽ thực hiện một lần.
Đây là một bài biết có liên quan, bạn có thể đọc thêm:
Cho phép bản thân cảm nhận
Chúng ta có xu hướng né tránh hoặc đè nén những cảm xúc tiêu cực vì sợ hãi hoặc xấu hổ. Tuy nhiên, để chữa lành, mình cần cho phép bản thân được trải nghiệm trọn vẹn những cảm xúc này, dù là buồn bã, tức giận, hay hối hận. Bạn có thể dành thời gian để khóc, để la hét, hay để viết nhật ký để giải tỏa những cảm xúc dồn nén.
Thấu hiểu và tha thứ
Sau khi đã trải qua những cảm xúc tiêu cực, hãy dành thời gian để thấu hiểu bản thân và những người liên quan đến sự kiện trong quá khứ. Cố gắng nhìn nhận mọi việc từ nhiều khía cạnh khác nhau, đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu được hành động và động cơ của họ. Từ đó, mình có thể học cách tha thứ cho bản thân và những người đã từng làm tổn thương mình.
Học hỏi và trưởng thành từ quá khứ
Mỗi trải nghiệm, dù là tích cực hay tiêu cực, đều mang đến cho mình những bài học quý giá. Nhìn nhận quá khứ với thái độ tích cực, xem nó như một cơ hội để học hỏi và trưởng thành. Suy ngẫm về những sai lầm trong quá khứ để mình có thể rút ra kinh nghiệm và tránh lặp lại trong tương lai.
Tìm kiếm sự giúp đỡ
Hành trình chữa lành vết thương lòng không hề dễ dàng và có thể cần đến sự hỗ trợ từ bên ngoài. Nếu bạn cảm thấy quá khó khăn để đối mặt với quá khứ một mình, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ bằng cách: tham gia các nhóm hỗ trợ hoặc chia sẻ với những người mà bạn tin tưởng.
Lời kết
Quá khứ chỉ là một phần của chúng ta, và nó không thể định nghĩa được cuộc sống ở hiện tại và tương lai của mình. Hãy cho phép quá khứ xuất hiện và chấp nhận nó, để nó là công cụ giúp bạn thoát ra khỏi xiềng xích mang tên “tù nhân của quá khứ”. Và bắt đầu với một hành trình dài của bạn, ngày hôm nay đã là quá khứ, bạn có thể bắt đầu lại vào ngày mai.
Cảm ơn bạn đã đọc đến đây. Có nhiều bài học thú vị tại Insightful Creator, bạn sẽ không đơn độc trên hành trình này, bạn có thể đọc thêm tại đây.
Tác giả:
- Content Creator tại