Bạn đang Buồn bã hay đang Trầm cảm?
Trầm cảm xuất hiện ngày một nhiều ở giới trẻ thời nay. Tuy nhiên, việc nhầm lẫn các loại cảm xúc với bệnh tâm lý khác nhau khiến quá trình tìm hướng điều trị tinh thần của họ trở nên khó khăn hơn.
Tại sao so với thời “ông bà ta” thì ngày nay giới trẻ lại gặp nhiều tình trạng liên quan đến tâm lý như vậy? Mình nghĩ thời nào cũng tồn tại những tâm bệnh này tuy nhiên hiện nay chúng ta biết cách gọi tên những cảm giác, cảm xúc khiến cơ thể và tinh thần của ta trở nên ốm yếu. Ngoài việc nhận biết, chúng ta cũng cần phải hiểu rõ tình trạng của bản thân để gỡ được nút thắt trong tinh thần này, ở bài viết hôm nay chúng ta hãy cùng phân biệt xem bạn đang ở trạng thái Buồn bã hay đang mắc phải tâm bệnh Trầm cảm nhé.
Bài viết này có phần hơi nặng nề về mặt tinh thần cho các bạn, nên mình chuẩn bị một bài nhạc, vừa nghe nó vừa đọc sẽ làm bạn thoải mái hơn đó.
Như thế nào là buồn bã?
Buồn bã là một trong những trạng thái tình cảm, cảm xúc bình thường của con người. Bất kì ai cũng sẽ trải qua thời điểm này khi gặp một số sự việc, sự kiện không mong muốn trong cuộc sống. Đó có thể là một sự mất mát, một sự việc gây thất vọng như mất người thân, chia tay người mình yêu mến, công việc không thuận lợi, thu nhập bị giảm sút,... Đều là những nguyên nhân cụ thể dẫn đến nỗi buồn.
Thông thường, khi các vấn đề trên được giải quyết theo chiều hướng tích cực, hay theo thời gian nó sẽ mờ nhạt dần rồi chấm dứt. Bản thân người gặp phải trạng thái này sẽ trở nên vui vẻ, trở lại trạng thái bình thường.
Tuy nhiên nếu cảm xúc này vẫn tồn tại dai dẳng và không một điều gì khiến bạn vui vẻ trở lại thì hãy chú ý đọc phần tiếp theo sau đây, vì có thể bạn đang dần “bước chân” vào tâm bệnh ta đang tìm hiểu.
Có phải bạn đang mắc trầm cảm?
Dừng lại một chút.
Mình nghĩ cần nói điều này trước tiên. Việc chấp nhận bản thân mắc trầm cảm sẽ rất khó khăn với một số người, vì không phải ai cũng sẽ trầm buồn, đau khổ khi gặp nó. Họ nghĩ bản thân vẫn bình thường không hề có bệnh gì, đặc biệt là bệnh liên quan đến tâm thần sẽ làm họ suy nghĩ nặng nề hơn, tuy nhiên điều này sẽ chỉ làm căn bệnh trở nên nguy hiểm và khó chữa trị hơn. Vì vậy hãy xem như bản thân bị ốm và cần “uống thuốc” để trở lại cuộc sống khỏe mạnh, bình thường nhé.
Trầm cảm là gì, mà khiến cơ thể và tinh thần của bạn trở nên kiệt quệ như vậy?
Trầm cảm là một chứng rối loạn tâm thần, làm thay đổi hành vi và thái độ, tác động nhiều đến cuộc sống của một người. Đôi khi, người đang buồn cũng có những khoảnh khắc mà họ có thể cười hoặc được an ủi. Nhưng trầm cảm khác với buồn bã. Cảm xúc của bạn sẽ ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của cuộc sống. Đây là một căn bệnh về tinh thần, không phải là cảm xúc thoáng qua.
Những biểu hiện thường thấy của trầm cảm bao gồm:
Cảm giác chán nản.
Sầu não.
Vô vọng.
Thiếu động lực.
Mất hứng thú với những việc đã từng thích.
Trong những trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể nghĩ đến hoặc tìm cách tự tử. Họ không còn muốn dành thời gian cho gia đình và bạn bè, có thể ngừng theo đuổi sở thích của mình, hoặc cảm thấy không thể đi làm, đi học.
Các chuyên gia sử dụng tiêu chí DSM-5 (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders) của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ để giúp xác định xem tình trạng của một người là trạng thái buồn hay bệnh trầm cảm. Bạn có thể được chẩn đoán trầm cảm hoặc rối loạn trầm cảm dai dẳng nếu bạn có biểu hiện trong các tiêu chí DSM-5 và kéo dài hơn 2 tuần.
DSM – 5 bao gồm 9 triệu chứng trầm cảm tiềm ẩn. Mức độ nghiêm trọng của mỗi triệu chứng cũng quan trọng như một phần của quá trình chẩn đoán.
Cụ thể là:
Cảm thấy chán nản xuyên suốt mỗi ngày vào hầu hết hoặc tất cả các ngày.
Thiếu quan tâm và thích thú với các hoạt động mà bạn từng thấy thích.
Khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
Khó ăn, hoặc ăn quá nhiều, dẫn đến tăng cân hoặc giảm cân.
Khó chịu, chậm chạp, bồn chồn, bứt rứt hoặc kích động.
Mệt mỏi, kiệt sức.
Cảm giác tội lỗi hoặc vô giá trị một cách không chính đáng.
Không có khả năng tập trung hoặc đưa ra quyết định.
Suy nghĩ hoặc hành động tự sát hoặc suy nghĩ nhiều về cái chết.
Nếu trải qua ít nhất 5/9 triệu chứng trên, rất có thể bạn đã bị trầm cảm, bạn cần tìm đến chuyên gia tư vấn tâm lý hay bác sĩ uy tín để nhận được phương pháp điều trị phù hợp nhất. Tuy nhiên nếu vẫn chưa chắc chắn và cần giúp đỡ để hiểu rõ tình trạng của bản thân hơn thì sau đây là hai website hỗ trợ bạn lắng nghe cơ thể mình tốt hơn.
Website đánh giá nhanh sức khỏe tinh thần
1. Viện tâm lý giáo dục BrainCare
Bài test nhanh bao gồm:
Test trầm cảm: Thang đánh giá trầm cảm BECK là một trong những thang đo được biết đến và sử dụng rộng rãi nhất trong việc đánh giá và đo lường các triệu chứng trầm cảm. Được thiết kế phù hợp với độ tuổi từ 16 tuổi trở lên, thang đo BECK có thể giúp các cá nhân nhận diện các triệu chứng cũng như đánh giá mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng trầm cảm của bản thân.
Test Rối loạn lo âu: Thang đo tự đánh giá lo âu Zung là công cụ được biết đến và sử dụng rộng rãi trong việc đo lường mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng lo âu nhờ độ nhạy và tính đặc hiệu cao. Được thiết kế để phù hợp với độ tuổi từ 16 tuổi trở lên, thang đo Zung có thể hỗ trợ cá nhân tự đánh giá tình trạng cũng như mức độ nghiêm trọng của suy nghĩ, cảm xúc và hành vi liên quan đến lo lắng, để từ đó, có cái nhìn rõ hơn về tình trạng sức khỏe tinh thần của bản thân.
Test đánh giá tổng hợp: DASS-21 là công cụ được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới nhờ tính hiệu quả, độ chính xác và sự thuận tiện cho người sử dụng. Tập trung vào các khó khăn tâm lý cụ thể mà một cá nhân có thể gặp phải, DASS-21 có thể giúp người đó đánh giá ba lĩnh vực chính gồm Trầm cảm, Lo âu, Stress - Căng thẳng. DASS-21 được thiết kế để phù hợp cho nhiều lứa tuổi, từ thanh thiếu niên đến người trưởng thành đều có thể sử dụng nhằm hiểu hơn về trạng thái cảm xúc của bản thân.
2. FWD #Vữngtinhthần
Đánh giá sức khỏe tinh thần thông qua thang đo tâm trắc, bao gồm:
Trầm cảm
Lo âu
Chất lượng cuộc sống
Đây là chương trình do FWD Việt Nam thực hiện vì sức khỏe tinh thần của cộng đồng, trong bảng hỏi mà các bạn tiếp cận sẽ có 3 nhóm câu hỏi:
9 câu hỏi về trầm cảm
7 câu hỏi về rối loạn lo âu
5 câu hỏi để đánh giá rằng những triệu chứng về trầm cảm và lo âu này đã ảnh hưởng đến chất lượng sống của bạn như thế nào.
Sau khi hoàn thành xong 21 câu hỏi, sẽ cho ra một bảng kết quả kèm theo lời diễn giải, giải thích rõ hơn về bảng kết quả đó. Ngoài ra trang web cũng sẽ gợi ý những hướng xử lý tiếp theo cho vấn đề của bạn.
Lời kết
Và đó là những điều chúng ta cần lưu ý giúp phân biệt được giữa cảm xúc thông thường với bệnh về tâm lý để tìm được cách giải quyết tốt nhất cho bản thân hoặc những người xung quanh. Đừng lo lắng vì chúng mình luôn ở đây, nếu bạn cần người chia sẻ hãy nhắn ngay cho mình bằng cách click vào ô dưới đây nhé.
Còn bây giờ quay trở lại với câu hỏi ban đầu, bạn có thắc mắc tại sao càng ngày những tâm bệnh này càng xuất hiện nhiều, đặc biệt ở giới trẻ - những mầm non tương lai của đất nước không? Hãy đón đọc số sau của Insightful Creations trong chuyên mục Psychology để được giải đáp thắc mắc nhé. Vô vàn thông tin bổ ích sẽ liên tục được cập nhật TẠI ĐÂY!
Tác giả: Hoài Thương - Leader chuyên mục Psychology tại bản tin Insightful Creations