Có những điều ở lại, dù ta không nhìn thấy
Những gì từng là một phần quan trọng trong cuộc sống của mình, chúng không bao giờ thực sự biến mất. Từ một sự hiện hữu rõ ràng thành một cảm giác âm thầm nhưng mãnh liệt trong tâm trí và trái tim.
Mất đi một người đồng hành thân yêu là điều không ai muốn đối mặt, nhưng sớm muộn gì, ai trong chúng ta cũng phải trải qua.
Có những ngày, mình giật mình tỉnh giấc và quên mất rằng một người từng quan trọng với mình không còn ở đây nữa.
Mình tìm kiếm họ trong những thói quen cũ, trong những góc nhà quen thuộc, trong những bữa cơm từng có tiếng cười. Nhưng tất cả giờ chỉ còn là khoảng trống. Lòng mình tự hỏi: Liệu họ đã thực sự rời xa?
Nhưng rồi, một ngày nào đó, khi mình bước qua một con đường cũ, nghe một bài hát quen thuộc, hay mình vô tình bắt gặp một mùi hương gợi nhớ, mình nhận ra “ Có những điều không thực sự mất đi, chúng chỉ đổi thay cách ở lại “
Khi một sự hiện diện, dần trở thành kí ức
Có những thứ trong cuộc sống từng rất quen thuộc với mình, một giọng nói ấm áp, một thói quen nhỏ bé, một sự hiện diện luôn có đó mà mình nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ đổi thay.
Nhưng rồi, một ngày kia, những điều ấy không còn ở đó theo cách mình mong muốn. Căn nhà vẫn như cũ, nhưng trống trải hơn. Chiếc võng bên cạnh bàn ăn vẫn nguyên vẹn, nhưng người từng ngồi đó nay đã đi xa.
Lúc này, mình mới nhận ra rằng, sự hiện diện không phải lúc nào cũng vĩnh viễn mà nó có thể thay đổi, có thể biến mất, và đôi khi, chúng ta không có cách nào giữ lại.
Khi đó, mình tự hỏi: “Điều đó có thực sự biến mất không, hay chỉ thay đổi cách hiện diện khi mình không còn thấy họ, không còn nghe giọng nói ấy nữa”. Câu hỏi này đeo bám mình trong những khoảnh khắc bất chợt, khi mình vô thức chuẩn bị hai chiếc nón thay vì một, khi bước ngang qua một nơi quen thuộc và chợt dừng lại vì nhớ đến ai đó đã từng đi cùng. Có phải mọi thứ đã thật sự biến mất, hay chỉ chuyển sang một dạng thức mà mình chưa quen với nó.
Và về sau này, mình nhận ra rằng, sự hiện diện không chỉ nằm ở những gì hữu hình, mà còn tồn tại sâu bên trong những điều không thể nhìn thấy. Có những điều không còn ở đây theo cách mình từng biết, nhưng chúng chưa bao giờ thực sự mất đi.
Những điều quan trọng không biến mất, chúng chỉ thay đổi cách ở lại
Những gì thật sự gắn kết với mình không đơn thuần chỉ hiện diện về mặt vật lý. Mà chúng còn len lỏi vào trong ký ức, trong cảm giác, trong những khoảnh khắc rất đỗi đời thường mà mình vô tình bắt gặp:
Gió không thể thấy, nhưng mình cảm nhận được sự mát lành trên da.
Một bài hát quen thuộc dù không còn được nghe mỗi ngày, vẫn vang vọng trong tâm trí khi mình nhắm mắt lại.
Cũng như vậy, những điều quan trọng trong đời mình không hẳn là biến mất. Chúng chỉ đổi thay cách hiện diện, từ một hình bóng rõ ràng thành một cảm giác âm thầm nhưng mãnh liệt trong trái tim
Hãy ghi nhớ và cảm nhận theo cách riêng của mình
Mỗi người có một cách khác nhau để giữ lại những điều quan trọng trong cuộc sống của mình, dù chúng không còn hiện diện theo cách quen thuộc. Có người chọn cách giữ lại một kỷ vật, như một tấm ảnh cũ. Có những thứ tưởng chừng vô tri nhưng lại chứa đựng cả một bầu trời ký ức. Khi chạm tay vào, mình cảm giác như có thể quay ngược thời gian, trở về những khoảnh khắc khi mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn.
Có người lại lưu giữ những điều quan trọng bên trong tâm trí và trái tim. Họ không cần một kỷ vật cụ thể, bởi từng kỷ niệm đã in hằn vào suy nghĩ. Một ngày bất chợt, khi đi qua một nơi thường ghé đến, khi nghe lại một bài hát cũ, hoặc khi nhìn thấy một người xa lạ có bóng lưng giống ai đó, những ký ức ấy lại ùa về. Nó không ồn ào, không dữ dội, mà là một cảm giác nhẹ nhàng như một cơn gió thoảng, nhắc họ nhớ rằng những điều ấy chưa bao giờ mất đi.
Có người lại vô thức tìm kiếm sự hiện diện của những điều đã mất trong những giấc mơ. Trong mơ, họ lại được nghe thấy giọng nói thân quen, lại nhìn thấy dáng hình đã lâu không gặp. Dù giấc mơ có thể tan biến khi tỉnh dậy, nhưng cảm giác ấm áp mà nó để lại vẫn còn mãi. Đôi khi, họ thậm chí không thể nhớ rõ nội dung giấc mơ, nhưng dư âm của nó vẫn len lỏi vào những ngày sau đó, như một lời nhắc nhở rằng sự kết nối ấy vẫn chưa hề bị cắt đứt.
Dù mỗi người có một cách ghi nhớ khác nhau, nhưng điểm chung là: Những gì quan trọng với chúng ta chưa bao giờ thực sự biến mất. Chúng chỉ đổi cách hiện diện, từ một điều ta có thể chạm vào, thành một điều ta có thể cảm nhận.
Học cách cảm nhận thay vì tìm kiếm
Có những mất mát không thể lấy lại được, nhưng điều đó không có nghĩa là mình phải để bản thân mắc kẹt trong nỗi buồn mãi mãi. Việc tìm kiếm một sự hiện diện đã không còn, dù là một người, một kỷ niệm hay một cảm giác quen thuộc, có thể khiến mình kiệt sức và đau lòng hơn. Nhưng nếu thay vì cố chấp giữ lại, mình học cách cảm nhận sự hiện diện theo một cách khác, mọi thứ có thể trở nên nhẹ nhàng hơn.
1. Viết ra những điều muốn nhớ “biến kỷ niệm thành điều hữu hình trong tâm trí”
Không phải ai cũng giỏi bày tỏ cảm xúc bằng lời nói, nhưng mình nghĩ việc viết ra có thể là một cách giúp mình đối diện và trân trọng những điều quan trọng. Hãy thử viết về một ngày đặc biệt trong quá khứ, về những câu chuyện cũ, hoặc đơn giản là những điều nhỏ bé mà mình sợ một ngày nào đó sẽ phai mờ.
Chẳng hạn, nếu bạn mất đi một người thân yêu, thay vì chỉ giữ mọi ký ức trong đầu, bạn có thể viết một lá thư cho họ, kể rằng bạn nhớ họ ra sao, có điều gì bạn muốn nói nhưng chưa kịp. Không cần ai đọc những dòng ấy, cũng không cần phải là một bức thư hoàn chỉnh. Chỉ cần bạn viết, từng con chữ sẽ giúp bạn hiểu rằng, dù không còn ở đây, nhưng tình cảm của bạn dành cho họ vẫn nguyên vẹn
2. Duy trì những gì khiến bản thân cảm thấy gần gũi
Một người bạn từng nói với mình rằng, sau khi bà bạn ấy qua đời, bạn ấy vẫn tiếp tục làm một điều rất nhỏ: mỗi sáng sớm, bạn ấy đọc vài trang sách vì đó một thói quen từng gắn liền với hai bà cháu. Mặc dù bà không còn ở đó để đọc cùng bạn, nhưng hành động ấy giúp bạn cảm thấy kết nối với bà theo một cách nào đó.
Chúng ta có thể làm điều tương tự với những điều đã từng quan trọng trong cuộc đời mình. Đó có thể là:
Tưới những chậu cây và hoa mà đã cùng nhau vun trồng
Đi tập thể dục trên con đường quen thuộc mà hai người từng đi cùng nhau.
Giữ lại một thói quen từng cùng ai đó thực hiện, dù họ không còn bên cạnh.
Kết nối không nhất thiết phải là sự hiện diện vật lý. Đôi khi, nó chỉ đơn giản là cảm giác rằng dù thế nào đi nữa, một phần của điều đó vẫn ở lại với ta.
3. Biến mất mát thành động lực sống tốt hơn
Có một câu chuyện mình từng đọc về một chàng trai mất mẹ từ khi còn nhỏ. Thay vì để mất mát ấy nhấn chìm mình, anh chọn cách tiếp tục những điều mẹ anh từng làm. Mẹ anh thích nấu ăn, và anh quyết định học nấu những món mà bà từng nấu, rồi chia sẻ với mọi người. Đối với anh, mỗi lần đứng bếp không chỉ là nấu ăn, mà còn là một cách để giữ mẹ ở lại trong cuộc đời mình.
Chúng ta cũng có thể làm điều tương tự. Nếu một người từng truyền cảm hứng cho chúng ta không còn ở bên, bản thân có thể tiếp nối những điều tốt đẹp mà họ để lại. Nếu một giai đoạn đẹp đẽ của cuộc đời đã khép lại, chúng ta có thể biến những kỷ niệm ấy thành động lực để sống tốt hơn trong hiện tại.
Nếu một người thân từng giúp đỡ người khác, bạn có thể tiếp tục hành động ấy thay họ.
Nếu bạn từng có một ước mơ nhưng vì lý do nào đó không thể thực hiện, hãy dùng nó làm động lực để không bỏ lỡ những cơ hội khác trong tương lai.
Nếu bạn từng có một khoảng thời gian hạnh phúc nhưng không thể quay lại, hãy dùng những trải nghiệm ấy để tạo ra khoảnh khắc hạnh phúc mới.
Bản thân những điều ấy không thay thế được những gì đã mất, nhưng chúng giúp ta bước tiếp mà không cảm thấy trống rỗng.
Lời kết
Có những điều ta không thể níu giữ mãi, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng biến mất. Khi ta viết lại những kỷ niệm, duy trì những thói quen kết nối, tiếp tục lan tỏa những giá trị tốt đẹp và học cách cảm nhận thay vì tìm kiếm sự hiện hữu, ta dần nhận ra rằng những điều quan trọng vẫn luôn ở đó, trong trái tim, trong suy nghĩ, và trong cách ta sống mỗi ngày. Bởi lẽ, có những điều không cần nhìn thấy, chỉ cần cảm nhận. Hiểu rằng, điều quan trọng không phải là giữ một thứ hữu hình, mà là cảm nhận sự hiện diện của nó trong chính mình
Tác giả:
| Content creator tại Insightful CreationsBạn có thể tham khảo bài viết khác về những chia sẻ giúp bạn phát triển chính mình: