Không vội vàng, nhưng không ngừng bước khi xây dựng thương hiệu cá nhân
Với mình, thương hiệu cá nhân không chỉ là hình ảnh mà mọi người nhìn thấy, mà sâu xa hơn, đó là dấu ấn cuối cùng mình muốn để lại trong lòng độc giả.
Mindtalk Series là không gian nơi mình có cơ hội trò chuyện và chia sẻ cùng những “cuốn sách sống” – những khách mời đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, mang theo hành trang là trải nghiệm thực tiễn, kinh nghiệm quý giá và kiến thức sâu sắc. Những cuộc trò chuyện này tập trung vào các chủ đề như xây dựng thương hiệu cá nhân, phát triển chuyên môn và kết nối cộng đồng – những yếu tố quan trọng để mỗi người tối ưu hóa hành trình cá nhân và sự nghiệp của mình.
Hôm nay, Mindtalk Series rất vui được chào đón Đan Phượng - một SEO Content Strategist với nhiều kinh nghiệm trong ngành marketing như:
Freelance SEO Content Strategist (English & Vietnamese).
Copywriter tại Meey Group JSC.
Social Media Marketing Specialist tại TiredCity LLC.
Marketing Communications Specialist tại BATIMEX Import-Export Joint Stock Company.
Mỗi bài viết của Phượng đều tuân theo tiêu chí people-first content – lấy con người làm trung tâm, mang lại giá trị thực tế và đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn E-E-A-T của Google (Experience, Expertise, Authoritativeness, Trustworthiness).
Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực nội dung và tiếp thị, Đan Phượng còn vừa hoàn thành chứng nhận Certified Trauma and Resilience Specialist in Clinical Application (CTRS-C) – chuyên viên chấn thương tâm lý và phục hồi lâm sàng. Điều này giúp Phượng hiểu sâu hơn về chấn thương tâm lý cũng như các chiến lược hỗ trợ hồi phục, mang đến góc nhìn toàn diện hơn trong cách làm việc và hỗ trợ cộng đồng.
Hy vọng những chia sẻ trong buổi trò chuyện hôm nay sẽ mang đến cho bạn những góc nhìn hữu ích và nguồn cảm hứng trong hành trình xây dựng thương hiệu cá nhân và kinh doanh chuyên môn.
Nếu dùng ba từ để miêu tả về hành trình xây dựng thương hiệu cá nhân của mình, Phượng sẽ chọn 3 từ nào và vì sao?
Nếu phải chọn ba từ để gói gọn hành trình xây dựng thương hiệu cá nhân của mình, mình sẽ chọn: Độc lập, Nhất quán, và Thành thật.
1. Độc lập
Mình chọn từ này đầu tiên vì bản chất của việc xây dựng thương hiệu cá nhân chính là một hành trình rất riêng. Có thể sẽ có những người đồng hành hoặc hỗ trợ, nhưng cốt lõi ở đây là câu chuyện của chính mình – trải nghiệm của mình và giá trị mà mình muốn truyền tải.
Độc lập không chỉ là việc tự mình làm mọi thứ mà còn là sự kiên định trong việc tìm kiếm tiếng nói riêng và xây dựng con đường phù hợp với bản thân.
Đôi khi, trong những lúc hoài nghi, mơ hồ hoặc không có ai chỉ dẫn, mình vẫn phải học cách tự đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm hoàn toàn với những gì mình làm.
2. Nhất quán
Nhất quán không chỉ là việc bạn xuất hiện thường xuyên, mà còn là cách bạn truyền tải giá trị và thông điệp của mình một cách đồng nhất qua thời gian.
Hành trình xây dựng thương hiệu cá nhân mà mình đang đi đòi hỏi sự kiên nhẫn và cam kết lâu dài, bởi vì có những lúc mình cảm thấy mệt mỏi, thiếu động lực, hoặc hoài nghi về chính mình.
Nhưng chính sự nhất quán trong hành động giúp mình tạo ra nhiều kết quả và làm vững chắc hơn niềm tin vào chính mình. Đồng thời, ở giai đoạn đó, tạo ra một hình ảnh “mình” đáng tin cậy trong mắt cộng đồng.
Tuy nhiên, với mình sự nhất quán không chỉ nằm ở tần suất mà còn là ở giá trị mà mình cho đi. Mình thường tự hỏi: Mình đang mang lại điều gì? Giá trị mình chia sẻ có ý nghĩa và bền vững không?
Một thương hiệu cá nhân mạnh mẽ không được xây dựng từ sự hấp dẫn ngắn hạn, mà từ niềm tin và giá trị mà mình mang đến trong dài hạn.
3. Thành thật
Với mình, yếu tố thành thật là gốc rễ giúp một thương hiệu cá nhân không bị lung lay. Mình nghĩ rằng trước khi thành thật với người khác, bạn cần phải thành thật với chính bản thân mình.
Điều này đòi hỏi bạn tự vấn: “Giá trị mình đang theo đuổi có thực sự phản ánh con người mình không? Những điều mình chia sẻ có xuất phát từ trải nghiệm và niềm tin của chính mình không?”
Khi bạn thành thật với bản thân, bạn sẽ tránh được việc kiệt sức khi phải cố gắng trở thành một hình mẫu nào đó. Thành thật, với mình như là tiếng nói rõ ràng nhất trong xã hội ồn ào, giúp mình có thể đến gần hơn và làm bền chặt mối liên kết với cộng đồng.
Phượng định nghĩa thương hiệu cá nhân là gì?
Với mình, thương hiệu cá nhân không chỉ là hình ảnh mà mọi người nhìn thấy, mà sâu xa hơn, đó là dấu ấn cuối cùng mình muốn để lại trong lòng độc giả.
Theo góc nhìn của mình, câu chuyện đằng sau THCN không giống như một bộ khung chuẩn áp dụng cho tất cả, mà là câu chuyện độc đáo của riêng mỗi người, được hình thành từ trải nghiệm, cảm xúc, và cách mà mỗi chúng ta xử lý những tình huống trong cuộc sống.
Mặc dù nhiều người có thể trải qua những sự kiện tương tự nhau, nhưng cách họ cảm nhận và phản ứng sẽ không bao giờ hoàn toàn giống nhau. Thương hiệu cá nhân chính là sự độc đáo đó – một câu chuyện rất riêng mà chỉ bạn mới có thể kể, với những bài học và cách rút ra kết luận mang dấu ấn của chính bạn.
Mình thích ví thương hiệu cá nhân như một mùi hương – nó không cần quá nồng để gây chú ý ngay lập tức, nhưng phải đủ đặc trưng để khi ai đó nhớ đến, họ sẽ nghĩ ngay đến bạn. Thương hiệu cá nhân là bạn, không ai có thể thay thế được.
Thách thức lớn nhất trong quá trình xây dựng THCN của Phượng là gì, và Phượng đã vượt qua chúng như thế nào?
Mình đã từng trải qua giai đoạn mất phương hướng và liên tục đối mặt với áp lực. Lúc đó, mình chỉ tập trung vào việc "làm thế nào" — như chọn nền tảng nào, xây dựng chiến lược nội dung ra sao, và tần suất đăng bài bao nhiêu.
Mình quá mải mê với các yếu tố bề ngoài mà quên đi "tại sao" và "mục tiêu" thực sự của mình.
Càng suy nghĩ, mình càng cảm thấy bối rối bởi có quá nhiều cách tiếp cận khác nhau, làm mình dễ FOMO và chần chừ, chẳng biết đâu mới là lựa chọn đúng đắn.
Bài học lớn mà mình nhận ra là để xây dựng một thương hiệu cá nhân bền vững và khác biệt, bạn nên xác định rõ ràng giá trị cốt lõi (what) và động lực (why) của mình từ đầu.
Đây chính là nền tảng vững chắc giúp bạn kiên định với tầm nhìn dài hạn và lựa chọn phương pháp truyền tải phù hợp. Khi bạn hiểu rõ mình muốn truyền tải điều gì và tại sao điều đó lại quan trọng, mọi thứ còn lại sẽ trở nên mạch lạc hơn rất nhiều.
Ở giai đoạn tiếp theo, khi đã bắt đầu hiểu rõ mục tiêu của mình, một thử thách khác lại xuất hiện đó là áp lực vượt qua sự phụ thuộc vào sự công nhận từ bên ngoài.
Những lần bài viết không đạt kết quả như mong đợi dễ dàng khiến mình hoài nghi bản thân và cảm thấy mất động lực.
Đôi khi, những ý kiến trái chiều từ người khác khiến mình bắt đầu điều chỉnh bản thân theo kỳ vọng của họ, làm bản sắc cá nhân dần trở nên mờ nhạt.
Để vượt qua điều này, mình học cách đặt trọng tâm vào giá trị bản thân, thay vì chạy theo sự công nhận bên ngoài. Mình cũng chấp nhận sự thật là không phải bài viết nào cũng thành công ngay lập tức, và chính sự kiên trì mới là yếu tố giúp mình vững bước.
Mình bắt đầu biết cách chọn lọc ý kiến hơn — chỉ lắng nghe những đóng góp mang tính xây dựng, thay vì để những lời phê bình tiêu cực làm ảnh hưởng đến định hướng của mình.
Phượng đang monetize thương hiệu cá nhân bằng cách nào, và Phượng có lời khuyên gì cho những bạn mới bắt đầu?
Trước hết, để monetize thành công thương hiệu cá nhân, mình nghĩ làm tốt chuyên môn là yếu tố cốt lõi không thể thiếu.
Khi bạn có khả năng làm tốt hơn cả những gì khách hàng kỳ vọng, họ sẽ tự nguyện giới thiệu bạn thông qua truyền miệng. Đây là một hình thức quảng bá cực kỳ hiệu quả và tiết kiệm chi phí, nhưng không phải ai cũng nhận ra giá trị này từ đầu.
Ban đầu, mình cũng vậy. Mọi thứ đến từ những mối giới thiệu, từ những khách hàng hài lòng với công việc của mình. Chính sự tận tâm và chất lượng công việc đã giúp mình gây dựng niềm tin với khách hàng, từ đó, họ tiếp tục giới thiệu mình đến với những người khác. Đây chính là nền tảng giúp mình giảm bớt áp lực trong việc quảng bá thương hiệu ban đầu.
Với những bạn mới bắt đầu, mình có một lời khuyên chân thành rằng “đừng vội vàng bán sản phẩm hay dịch vụ ngay lập tức”. Thay vào đó, bạn hãy dành thời gian chứng minh giá trị và xây dựng uy tín của mình.
Một cách hiệu quả để bắt đầu là giúp khách hàng giải quyết các vấn đề nhỏ hoặc cung cấp giá trị miễn phí ban đầu. Khi khách hàng cảm nhận được sự hỗ trợ tận tình và chân thành từ bạn, họ sẽ dần tin tưởng và khi có nhu cầu thực sự, họ sẽ sẵn sàng sử dụng dịch vụ trả phí của bạn.
Việc chăm sóc và nuôi dưỡng mối quan hệ với khách hàng là vô cùng quan trọng. Có thể họ chưa cần sản phẩm hay dịch vụ của bạn ngay lập tức, nhưng nếu bạn duy trì liên lạc qua những “điểm chạm” nhỏ như email, tin nhắn, hoặc đơn giản là cung cấp lời khuyên hữu ích, họ sẽ nhớ đến bạn khi thật sự cần.
Những hành động nhỏ nhưng chân thành chính là cách giúp bạn xây dựng niềm tin và tạo dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng.
Nếu được quay lại thời điểm bắt đầu, Phượng sẽ làm gì khác để xây dựng THCN hiệu quả hơn?
Nếu có cơ hội quay lại thời điểm khởi đầu, mình nghĩ mình sẽ chọn đi chậm hơn nhưng chắc chắn hơn, với trọng tâm là ba yếu tố mà mình nhận ra là nền tảng cho một thương hiệu cá nhân bền vững: hiểu rõ bản thân, xây dựng hệ thống nội dung, và kết nối với cộng đồng.
Những điều này không chỉ giúp mình định hình thương hiệu mà còn mang lại sự cân bằng trong hành trình, tránh những vấp ngã không cần thiết.
1. Hiểu rõ bản thân và giá trị mà mình muốn truyền tải
Ngày xưa, mình nghĩ rằng xây dựng thương hiệu cá nhân chỉ đơn giản là thể hiện điều gì đó khác biệt, nhưng rồi mình nhận ra: nếu không thực sự hiểu bản thân, mọi cố gắng chỉ giống như xây nhà trên cát.
Hồi đó, mình dành nhiều thời gian loay hoay để tìm kiếm cái mới mà quên mất rằng câu hỏi quan trọng nhất phải trả lời là: “Mình thực sự muốn mang lại giá trị gì? Và làm thế nào để truyền tải nó một cách chân thật nhất?”
Nếu có thể làm lại, mình sẽ tập trung hơn vào việc tự khám phá và định vị bản thân ngay từ đầu. Điều này không chỉ dừng lại ở việc tìm ra ngách hay chuyên môn cụ thể, mà còn bao gồm cả việc xác định mục tiêu dài hạn, những điều mình đam mê và giá trị mình muốn đóng góp.
Một thương hiệu cá nhân không chỉ là câu chuyện hiện tại mà còn là lời cam kết với chính mình trong tương lai.
2. Tài liệu hóa và hệ thống hóa hành trình
Một trong những bài học lớn nhất mà mình đã nhận ra là tầm quan trọng của việc ghi chép và hệ thống hóa lại mọi thứ – từ những trải nghiệm nhỏ bé cho đến những bài học lớn.
Nếu được làm lại, mình sẽ bắt đầu tài liệu hóa hành trình từ ngày đầu tiên:
Ghi lại cảm xúc, suy nghĩ và mục tiêu của bản thân.
Hệ thống hóa những gì mình học được thành các tài liệu rõ ràng để dễ dàng chia sẻ và tái sử dụng.
Điều này không chỉ giúp mình có một kho nội dung phong phú mà còn là cách để mình nhìn lại và trân trọng những bước tiến nhỏ trên hành trình. Hệ thống không cần phải hoàn hảo ngay từ đầu, nhưng việc bắt đầu sớm chắc chắn sẽ giúp mình tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức về sau.
3. Kết nối và xây dựng cộng đồng
Thời điểm khởi đầu, mình từng rất e dè trong việc giao tiếp và kết nối với người khác. Là một người hướng nội, mình thường ngại ngùng khi phải xây dựng mối quan hệ mới.
Tuy nhiên, nhìn lại, điều mình tiếc nuối nhất là đã không dành đủ thời gian để tìm cho mình một cộng đồng – những người bạn, người đồng hành hoặc những chuyên gia cùng lĩnh vực.
Nếu có thể quay lại, mình sẽ chủ động hơn trong việc tham gia các nhóm, các sự kiện hoặc đơn giản là trò chuyện với những người có cùng chí hướng.
Kết nối không chỉ là tìm kiếm sự hỗ trợ mà còn là cách để mở rộng tư duy, học hỏi và duy trì động lực trong hành trình. Không ai có thể thành công một mình, và sự đồng hành của những người phù hợp luôn là nguồn sức mạnh lớn lao.
➥ Kết nối thêm với Đan Phượng:
Facebook cá nhân: Nguyễn Đan Phượng
Hãy để lại comment bên dưới về cảm nhận hoặc câu hỏi cho chúng mình biết nhé.
Xem thêm: