Khi góc nhìn chủ quan là liều thuốc chuột - Chủ nghĩa hiện thực ngây thơ
Chủ nghĩa Hiện Thực Ngây Thơ, đây là hiệu ứng tâm lí khá phổ biến hiện nay. Bản thân nó đúng như cái tên là xu hướng tin rằng nhận thức của chúng ta về thế giới phản ánh chính xác những gì nó vốn có.
Liệu bạn đã từng nghe qua cuộc “thánh chiến” truyền kỳ giữa cộng đồng mạng và các trang mạng xã hội như Em Plus, Anh Plus làm thay đổi mạng xã hội Việt Nam ngày đó chưa? Dành cho những ai chưa biết, Em Plus và Anh Plus là 2 trang mạng nổi tiếng với những câu quotes ngôn tình sến sẩm và khá là tiêu cực được đa số chị em yêu thích, là một thế lực lớn trên không gian mạng Việt Nam lúc bấy giờ. Vì quan điểm về tình yêu rất tiêu cực và ảnh hưởng đến một số bộ phận giới trẻ nên đã được “Quân Cách Mạng” - Cộng đồng mạng phản đối và dọn dẹp sạch sẽ sau những cuộc “Thanh Trừ”.
Vậy câu hỏi đặt ra là Tại sao Em Plus lại mâu thuẫn với cộng đồng mạng lúc đó sâu sắc như vậy? Tất cả đều liên quan đến hiệu ứng tâm lý Chủ Nghĩa Hiện Thực Ngây Thơ - Naive Realism.
Chủ Nghĩa Hiện Thực là gì?
Chủ nghĩa Hiện Thực Ngây Thơ, đây là hiệu ứng tâm lí khá phổ biến hiện nay. Tục ngữ Việt Nam có một câu “Ếch ngồi đáy giếng” rất đúng với hiệu ứng tâm lý này. Bản thân nó đúng như cái tên là xu hướng tin rằng nhận thức của chúng ta về thế giới phản ánh chính xác những gì nó vốn có, không thiên vị và không sàng lọc và nằm trong phạm trù của Thành kiến Vị Kỷ. Để dễ hiểu hơn thì nó chính là quan điểm cá nhân nhưng chúng ta lại lầm tưởng rằng ai cũng có quan điểm y hệt như chúng ta khi nhìn nhận một sự việc, quá dựa dẫm vào góc nhìn chủ quan của bản thân như những nội dung mà Em Plus đã đăng tải làm gây ra những cuộc tranh cãi từ những couples đến nhóm những người hoạt động trên mạng xã hội. Vì vậy, những thành kiến này khiến chúng ta khó hiểu quan điểm của người khác và có thể dẫn đến tranh luận và phân ra nhiều phe mẫu thuẫn với nhau.
Theo dòng thời gian của cuộc “Thánh Chiến” giữa Em Plus và phần còn lại của Internet Việt Nam, việc thể hiện quan điểm tiêu cực về tình yêu chủ yếu mang góc nhìn cá nhân của Em Plus gây rất nhiều tranh cãi như “Yêu là phải cưới, không cưới thì đừng yêu mất thời gian”
Vậy nếu không dám cưới, người ta không có quyền được yêu?
Chính vì những bài viết mang suy nghĩ cá nhân và một chiều như vậy nên đã dẫn đến kết quả Em Plus biến mất vĩnh viễn khỏi không gian mạng Việt Nam khi đối đầu với quan điểm khác về Yêu của những người khác. Bên cạnh đó, Admin của Em Plus không cho rằng đó là sai và còn thách thức cộng đồng mạng. Điều này cũng đưa Em Plus vào danh sách “have-to thanh lọc”.
Nếu chúng ta không thể thấy rằng nhận thức của chúng ta về thế giới bị che lấp bởi thành kiến chủ quan, khi nhận thức của ai đó khác với nhận thức của chúng ta, chúng ta tin rằng họ là 'sai lầm' hoặc 'ngu ngốc'. Thay vì mở rộng kiến thức bằng cách cố gắng hiểu thế giới qua một góc nhìn khác, chúng ta nghĩ về bản thân và quan điểm của chúng ta, như là những người vượt trội hơn, bản thân là thứ hai thì không ai là chủ nhật. Mặc dù chúng ta là những người thiếu hiểu biết, không đủ thông tin và thành kiến, nhưng cuối cùng chúng ta lại nghĩ rằng người khác không cùng quan điểm với chúng ta mới là những người thiếu hiểu biết, không đủ thông tin và thành kiến. Chủ nghĩa hiện thực ngây thơ khiến chúng ta bỏ qua những góc nhìn trái ngược nhau, khiến bỏ lỡ cơ hội mở rộng cái “miệng giếng” của chúng ta. Nếu chúng ta xem nhận thức của mình về thế giới như một ý kiến hơn là một thế giới quan khách quan, chúng ta có thể có những cuộc trò chuyện thú vị với những người khác đó.
Chủ nghĩa Hiện Thực Ngây Thơ gây những ảnh hưởng và rắc rối khá lớn trong các chủ đề tranh luận yêu cầu sự nghiêm túc. Ở mức độ nghiêm trọng hơn, nó còn ảnh hưởng đến cả chính trị, các trường phái tư tưởng triết học hoặc niềm tin văn hóa. Mặc dù, chúng ta có thể thấy được sự ảnh hưởng của nó đến thế giới nhưng việc nhận ra thành kiến của bản thân thực sự rất khó.
Chúng ta cũng đang sống trong một xã hội ngày càng phân cực do chủ nghĩa hiện thực ngây thơ. Ở thời đại Internet phát triển, thật dễ dàng để tìm thấy những bằng chứng ủng hộ quan điểm của chúng ta, điều này khiến chúng ta có nhiều khả năng tin rằng nhận thức của mình về một điều gì đó luôn đúng. Hãy nhìn lại đại dịch lịch sử của loài người - COVID, khi chính phủ các nước trên thế giới tạo ra Vaccine để người dân sử dụng và chúng ta nhanh chóng tiêm Vaccine thì có những luồng ý kiến cho rằng Vaccine không tốt và có hại cho sức khỏe có thể tìm thấy những bằng chứng trên Internet để chứng minh ý kiến của bản thân. Những hành vi này liên quan đều đến Thiên kiến Xác Nhận - Confirmation Bias.
Nguyên Nhân Chủ Nghĩa Hiện Thực Ngây Thơ Xuất Hiện
Chủ nghĩa hiện thực ngây thơ là một sự méo mó về mặt nhận thức, làm lệch lạc cách chúng ta nhận thức thế giới bởi vì chúng ta quá phụ thuộc vào nhận thức của mình và coi nhận thức của bản thân chính là thực tế, còn của người khác là ngu ngốc và phi thực tế. Nó giống như một trò chơi điện tử cấp độ cao, khiến chúng ta tin rằng mọi người xung quanh đều đang chơi cùng một trò chơi và do đó, điểm số của chúng ta chính là điểm chuẩn.
Chủ nghĩa hiện thực ngây thơ cũng là sản phẩm của quá trình não bộ xử lý thông tin. Não bộ chúng ta bắt đầu xử lý những thông tin chung rồi mới chuyển hóa thành thông tin cụ thể, thế nhưng với chủ nghĩa hiện thực ngây thơ, thay vì tập trung vào những thông tin cụ thể trước mắt, những ý kiến chung lại ảnh hưởng đến nhận thức của chúng ta về thông tin mới.
Điều này có nghĩa như là Chủ Nghĩa Hiện Thực Ngây Thơ chính là chiếc máy ảnh, thay vì tập trung vào những cảnh quan cụ thể trước mắt camera như một chiếc máy ảnh chuyên nghiệp thì nó lại hướng camera vào chính chúng ta để lấy những bức hình selfie (góc nhìn chủ quan) ảnh hưởng đến cách chúng ta tiếp nhận thông tin mới.
Làm Thế Nào Để Tránh Chủ Nghĩa Hiện Thực Ngây Thơ?
Như đã đề cập ở trên, chủ nghĩa hiện thực ngây thơ có thể gây ra những hậu quả tiêu cực và dẫn đến xung đột, giống như một chiếc kính lúp quá phóng đại, có thể biến những khác biệt nhỏ nhất thành những vấn đề lớn, dẫn đến những cuộc tranh cãi không đáng có. Nó khiến chúng ta nhìn vào thế giới qua một khe nhỏ hẹp, làm cho cuộc trò chuyện trở nên phức tạp như một cuốn sách hướng dẫn lắp ráp đồ chơi Lego mà không có hình ảnh minh họa. Nó không chỉ cản trở kiến thức của chúng ta mà còn có thể tác động tiêu cực đến các mối quan hệ của chúng ta.
Vào năm 2014, giáo sư người Israel Meytal Nasie và các đồng nghiệp của ông đã tiến hành một nghiên cứu để xem liệu chủ nghĩa hiện thực ngây thơ có thể vượt qua được thông qua nhận thức về nó hay không. Họ yêu cầu một nhóm sinh viên đọc một đoạn mô tả về chủ nghĩa hiện thực ngây thơ, trong khi nhóm đối chứng khác đọc một đoạn văn không liên quan đến hiện tượng tâm lý. Sau đó, hai nhóm đọc một đoạn văn của một người Palestine về các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, Nasie et al. nhận thấy rằng những sinh viên đã đọc mô tả về chủ nghĩa hiện thực ngây thơ cho biết họ cởi mở hơn với các ý tưởng và quan điểm của người viết so với nhóm đối chứng. Nghiên cứu này cho thấy rằng chỉ cần đọc bài viết này, bạn sẽ ít có khả năng bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa hiện thực ngây thơ hơn. Quá là đơn giản mà đúng không?!
Một chút nhắn gửi đến bạn
Dù bạn có thể cảm thấy thoải mái và an toàn trong “giếng” của mình, nhưng hãy nhớ rằng thế giới bên ngoài bao la, rộng lớn và đa dạng hơn nhiều. Đừng để suy nghĩ dưới “mép giếng” của chủ nghĩa hiện thực ngây thơ giới hạn bạn khám phá bản thể mới của bản thân và sự hiểu biết thêm về thế giới xung quanh chúng ta. Bởi vì, cuộc sống là một hành trình, và mỗi chúng ta đều là những nhà thám hiểm trên hành trình đó. Hãy tận hưởng từng bước chân, từng trải nghiệm và từng bài học mà cuộc sống mang lại. Và nhớ, chỉ cần bạn mở lòng, thế giới sẽ mở ra với bạn. 😊
Cùng nhau khám phá và đồng hành cùng mình nhé, các chú ếch nhỏ. Hehehe…
Tác giả: Bảo ngủ chong gừng