Digital Wellness: Sống sót trong thế giới 99+ thông báo mỗi ngày
Nếu bạn từng thấy mệt mỏi vì mạng xã hội nhưng lại không thể rời xa nó – đã đến lúc bạn cần đến Digital Wellness.
Mình từng là nạn nhân của chiếc điện thoại
00:54 phút sáng.
Ngón tay mình vẫn lướt trên màn hình.
Đập vào mắt mình là một drama về việc một nghệ sĩ nổi tiếng bị “phốt” bởi người bạn gái đã quen lâu năm.
Mình xem hình ảnh, đọc caption rồi ngón tay lại vô thức bấm vào phần comment.
9 người 10 ý.
Rồi, tầm mắt mình dừng lại ở 1 comment có phần khó nghe với hơn 200 lượt phản hồi.
2:08 phút sáng.
Mình chợt nhận ra mình đã dành hơn 1 tiếng đồng hồ để đọc hơn 200 comment từ những người mình không hề quen biết thảo luận về một câu chuyện thậm chí còn không ảnh hưởng tới cuộc sống của mình.
Một cảm giác hối hận dâng lên trong lòng mình khi nhớ ra mình còn phải lên lớp điểm danh lúc 6:30.
Đáng lẽ mình nên tắt điện thoại đi ngủ lúc 11 giờ.
Đáng lẽ mình nên nghe một tập podcast hay ho gì đó thay vì ở đây hóng drama rồi cáu giận, khó chịu vì một câu chuyện không liên quan.
Mình tắt điện thoại đi ngủ trong sự hối hận cùng lời hứa ngủ sớm hơn vào ngày mai.
Nhưng rồi một ngày, một tuần, rồi một tháng, báo cáo sử dụng điện thoại trả về mỗi thứ 2 đầu tuần, thời gian sử dụng của mình vẫn ngày một tăng lên thậm chí còn không có dấu hiệu “đi ngang”.
Cho đến một ngày mình đánh rơi điện thoại,
Bắt đầu bằng cảm giác hoảng loạn, thấp thỏm cho tới dần chấp nhận. Mình chợt nhận ra sách trên kệ hoá ra không buồn ngủ như mình tưởng.
Mình được tận hưởng giấc ngủ lúc 22:30.
Không drama.
Không comment.
Không còn sự bực mình vì một người xa lạ nào đó.
Và đặc biệt là không còn cảm giác uể oải vì thiếu ngủ khi thức dậy.
Đó là lúc mình nhận ra, mình đã bị chiếc điện thoại đã bào mòn sức khoẻ tinh thần suốt một thời gian dài mà không hề hay biết.
Cơn lốc vô hình mang tên “Digital kiệt sức”
Mình không nhớ từ bao giờ chiếc điện thoại luôn là thứ đầu tiên và cũng là thứ cuối cùng mình chạm vào mỗi ngày.
Mỗi sáng ngủ dậy, mình đi tìm chiếc điện thoại để tắt báo thức.
Nhưng rồi…
Tay mình vô thức lướt xuống thanh thông báo.
Tin nhắn từ Zalo, Messenger, Discord,….
Thông báo video mới từ Youtuber yêu thích.
Những lời chào mời hấp dẫn từ các app mua sắm về một mùa sale chuẩn bị diễn ra.
Nhưng đó không phải là tất cả.
Đó mới chỉ là bắt đầu.
Trong một khoảng thời gian rất dài, mình không chỉ mất những buổi sáng thật sự yên mà còn mất cả những đêm thật sự nghỉ.
Suốt một ngày dài mình cứ ngỡ mình thật chăm chỉ, làm việc thật năng suất nhưng trên thực tế
Mình chỉ đang phản hồi…
Tin nhắn đến, mình trả lời.
Lịch họp nhảy lên, mình confirm, add vào lịch.
Thông báo từ đủ các ứng dụng, mình xem, dù có đôi lúc chẳng hề liên quan.
Mình bắt đầu một cuộc sống chỉ để phản ứng chứ không còn biết mình muốn gì hay cần gì.
Tệ hơn cả, mình luôn cảm thấy mệt mỏi.
Không phải kiểu mệt của cơ thể mà là một cảm giác mệt mỏi từ sâu bên trong.
Rồi có những đêm mình nằm trên giường, ánh đèn ngủ đã dịu, đầu đã nhủ “chỉ giải trí vài phút rồi ngủ”.
Nhưng mình lại trôi vào một đoạn clip drama — chẳng phải chuyện của mình, chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống của mình.
Mà vẫn xem.
Vẫn đọc.
Vẫn tức.
Vẫn buồn.
Vẫn ức chế.
Mình đã dành hơn một tiếng đồng hồ để đọc comment của những người xa lạ, rồi đi ngủ với cái đầu đầy xáo trộn và một cơ thể uể oải.
Và điều đáng sợ là… mình còn không hiểu tại sao mình lại mệt đến vậy.
Chỉ đến khi mình thừa nhận rằng, mình đã để cảm xúc của mình bị điều khiển bởi những thứ không thuộc về mình, mình mới hiểu…
Đó không phải là giải trí.
Đó là digital kiệt sức.
Digital Wellness – giải pháp ‘giữ mình’ giữa thế giới số
Mình từng nghĩ muốn thoát khỏi cảm giác mệt mỏi này, chắc phải làm điều gì đó thật cực đoan.
Xoá app. Tắt máy. Ở ẩn. Biến mất khỏi mạng xã hội vài tuần.
Nhưng rồi đâu lại vào đó.
Vì rõ ràng, mình không thể tách rời khỏi điện thoại hoàn toàn.
Nó là công cụ học tập, công cụ làm việc, công cụ kết nối.
Vấn đề không nằm ở chiếc điện thoại.
Vấn đề là… mình chưa biết cách dùng nó một cách lành mạnh.
Đó là lúc mình biết đến một khái niệm có tên: Digital Wellness.
Không hào nhoáng, không cầu kỳ.
Chỉ đơn giản là:
Sự lành mạnh trong mối quan hệ giữa mình và công nghệ.
Không phải cắt đứt, mà là chọn lọc.
Không phải từ bỏ, mà là đặt giới hạn.
Digital Wellness giúp mình hiểu rằng:
Mình có quyền nói không với những thứ làm mình mệt.
Mình có quyền tắt thông báo, rời khỏi cuộc trò chuyện, hoặc không xem clip hot nhất hôm nay — nếu điều đó khiến mình cảm thấy dễ chịu hơn.
Công nghệ sẽ vẫn ở đó.
Tin tức sẽ vẫn tiếp tục.
Drama sẽ không dừng lại.
Nhưng mình có thể dừng lại.
Chỉ cần dừng lại một chút, để nhớ rằng:
Cuộc sống thật sự vẫn đang diễn ra, ngay cả khi mình không online.
Mình đã tự chữa lành “sức khoẻ tinh thần số” như thế nào?
Mình không thay đổi mọi thứ ngay lập tức bởi mình hiểu rằng, mình không thể “đổi đời” chỉ sau một đêm.
Mình chỉ bắt đầu từ những điều nhỏ.
Mình tắt thông báo của mạng xã hội.
Lúc đầu cũng thấy bứt rứt lắm kiểu như có gì đó đang diễn ra mà mình không biết.
Nhưng rồi mình phát hiện:
Không biết cũng không sao và yên tĩnh hoá ra dễ chịu thật.
Mình thử không dùng điện thoại 1 tiếng trước khi đi ngủ.
Lần đầu nằm trằn trọc vì thấy “thiếu thiếu” nhưng dần dần, mình bắt đầu đọc sách trở lại hoặc đơn giản là nằm yên nghĩ về những gì mình đã làm được trong ngày hôm đó.
Mình đặt cho bản thân một khoảng “offline” mỗi ngày – chỉ 30 phút thôi.
Không tin nhắn. Không màn hình. Không lướt.
Mình dùng thời gian đó để viết vài dòng nhật ký, đi bộ lòng vòng dưới chung cư hay pha một ly trà nóng và ngồi nghe nhạc không lời.
Mỗi hành động nhỏ lặp lại từng ngày tựa như đang vá lại những khoảng trống trong đầu mình.
Mình thấy nhẹ hơn.
Mình ngủ ngon hơn.
Mình không còn giật mình tỉnh dậy lúc 2 giờ sáng chỉ để check điện thoại xem có gì mới.
Và điều tuyệt vời nhất là:
Mình bắt đầu cảm thấy rõ hơn mình là ai – khi không bị cuốn vào thế giới của người khác.
Một chút bình yên trong thế giới đầy tiếng ồn
Chiếc điện thoại không có lỗi.
Mạng xã hội cũng không sai.
Chỉ là có lẽ mình đã quên mất cách để lùi lại một bước, để giữ khoảng cách lành mạnh với nó.
Không cần biến mất.
Không cần ở ẩn.
Chỉ cần biết khi nào nên im lặng.
Và khi nào nên đặt chính mình lên trước.
Nếu bạn cũng từng mệt vì online mãi, từng bị kéo theo những điều chẳng thuộc về mình và từng thấy lòng trống rỗng dù tin tức lúc nào cũng đầy ắp…
Thì có lẽ đã đến lúc bạn cần một chút Digital Wellness cho riêng mình rồi đó.
Tác giả:
| Content creator tại Insightful CreationsBạn có thể tham khảo bài viết khác, về những chia sẻ giúp bạn phát triển chính mình: