Vực dậy chính mình trên hành trình làm sáng tạo
Mình luôn chuẩn bị cho bản thân một mindset vừa học vừa làm. Mình xem quá trình mình làm nội dung cũng đồng thời là một quá trình học tập.
1. Trong quá trình sáng tạo khó khăn lớn nhất mà anh đã gặp là gì và anh đã đối mặt với vấn đề ấy như thế nào?
Trong quá trình mình làm sáng tạo, khó khăn lớn nhất mình phải đối diện đó là làm sao duy trì được ngọn lửa đam mê.
Mình hay so sánh đam mê như một ngọn lửa. Có những lúc ngọn lửa bùng cháy thì mình có nhiều cảm hứng và nhiều động lực, nhưng phần lớn thời gian, đặc biệt là ở giai đoạn đầu rất khó để mình có thể duy trì được ngọn lửa đam mê ấy.
Có thể mình đã cố gắng rất nhiều nhưng chưa có kết quả tốt, rồi phải nhận những bình luận tiêu cực, hay những sự phán xét, những lúc như thế cảm tưởng như ngọn lửa đam mê của mình đang bị dập tắt.
Thật sự có nhiều lúc mình cảm thấy rất nản, thực sự mất hy vọng với những gì mình đang làm, mình nghĩ những việc mình đang làm có thể không đưa mình đến đâu, không có kết quả gì hoặc là mình sẽ có hoài nghi mình chưa đủ giỏi, mình không có sức hút.
Mình thường đối mặt với nó bằng cách tự nhủ với bản thân “mọi khó khăn rồi cũng sẽ qua thôi”, cho dù ngày hôm đấy mình có thể cảm thấy tệ như thế nào, cảm thấy chán nản như thế nào, mình vẫn cứ bình tĩnh, cứ cho phép bản thân mình nghỉ ngơi một chút.
Ngày hôm sau mình lại sẽ có động lực để bước tiếp. Nó gần như là một niềm tin đối với mình.
Thậm chí, có những lúc mình còn được truyền cảm hứng bởi chính nội dung cũ mình làm ra. Mình nghĩ, đây là một điều may mắn của một người content creator làm nội dung tích cực như mình.
2. Anh có thể chia sẻ một khía cạnh ít biết về quá trình sáng tạo của anh, có thể là thói quen, quy trình, hoặc môi trường làm việc?
Mình cũng nhận thấy lúc mình đạt được sự sáng tạo cao nhất cũng là những lúc mình chỉ có một mình trong phòng làm việc.
Mình bật một playlist nhạc để cho bản thân mình được hoàn toàn đắm chìm vào việc sáng tạo. Có thể là viết một bài viết hoặc làm một video.
Nhiều bạn cũng bất ngờ khi biết mình không phải là một người làm việc quá kế hoạch hay quy củ.
Với một số nội dung ở quy mô lớn như trên youtube mình sẽ thường có plan theo tuần, theo tháng, ngoài ra những bài viết, bài blog, hay những chia sẻ của mình trên fanpage mình thường sẽ viết một cách rất tự do.
Thỉnh thoảng có ý tưởng nào đó bất chợt nảy lên trong đầu mình, mình sẽ ngồi viết ra những ý tưởng ấy.
Nếu không có thời gian để viết ra mình sẽ check note lại ở trong chiếc điện thoại của mình. Mình cũng tạo cho mình một file note trong điện thoại và gọi nó là thư viện ý tưởng, đôi khi chỉ là một ý tưởng thoáng qua, có chút ngẫu nhiên, đôi khi lại có chút lộn xộn.
Mình thường sẽ lưu trữ hết tất cả những ý tưởng đó ở trong thư viện ý tưởng này.
Khi cần mình có thể tìm kiếm cảm hứng từ đó và triển khai nó thành một nội dung hoàn chỉnh.
Lấy một ví dụ, đối với kênh youtube của mình, mình đã chuẩn bị khoảng 20 đến 30 ý tưởng có sẵn, đó là những ý tưởng mình có thể làm nhưng mình chưa làm.
Khi mình muốn triển khai ý tưởng ấy thành một kịch bản hay một video mình sẽ xem những ý tưởng nào gợi cho mình nhiều cảm hứng nhất ở thời điểm ấy.
3. Có bao giờ anh cảm thấy mình chạy đua với chính sáng tạo của mình hay không? Làm thế nào để anh có thể đối mặt và vượt qua?
Một trong những thử thách của người làm sáng tạo là làm thế nào để tạo ra được một nội dung thành công, một nội dung được viral.
Khi đạt được thành công đó rồi, thì thử thách tiếp theo là làm thế nào để vượt qua sự thành công trước đó.
Đối với mình, thời điểm hiện tại giúp mình có thêm động lực không phải là ở con số, hay làm sao đạt được kỷ lục về số lượt xem, hay số lượt chia sẻ, mà là việc tạo ra giá trị cho cộng đồng.
Mình dần có được sự thay đổi về mindset như vậy sau khoảng một năm đầu tiên, khi mình bắt đầu nhận được những lời phản hồi tích cực từ những người theo dõi mình.
Chính lúc đó mình nhận ra được rằng mình đang tạo được những ảnh hưởng vô hình lên một ai đó.
Thậm chí là một số rất ít người thôi nhưng chính điều ấy khiến mình nhận ra rằng những gì mình đang làm thực sự có ý nghĩa như thế nào.
Tuy được viral sẽ khiến mình rất vui nhưng suy cho cùng đó không phải là lý do lớn nhất khi mình làm sáng tạo.
Mình cảm thấy sáng tạo nội dung không phải là một cuộc đua, vì đơn giản mình không đua với ai cả.
Thậm chí là chẳng đua với chính mình, mà chỉ đơn giản là một hành trình để chia sẻ những gì mình biết, tạo ra được sự đồng cảm, sự kết nối và tầm ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng người theo dõi mình.
4. Những công việc văn phòng thường được nghỉ ngơi vào cuối tuần hoặc các buổi tối. Còn công việc sáng tạo có phải liên tục theo thời gian và luôn cần phải sáng tạo liên tục không? Anh có bao giờ cảm thấy áp lực về điều đó?
Là một content creator mình nghĩ chúng ta luôn bị áp lực bởi consistency (sự kiên trì), đều đặn trong việc sản xuất nội dung và xuất hiện trên mạng xã hội, vì thuật toán sẽ nhận diện được mức độ xuất hiện của mình và sẽ cho nội dung của mình được đề xuất nhiều hơn.
Nhưng về phía người làm sáng tạo việc này rất có thể khiến chúng ta bị burn out.
Nhưng mình rút ra được một điều rằng làm sáng tạo chúng ta không thể làm một cách quá máy móc được. Mình vẫn sẽ cần những cảm hứng rất tự nhiên.
Để có được cảm hứng thì chúng ta phải có một cuộc sống bên ngoài việc làm sáng tạo nội dung nữa.
Mình cần có thêm trải nghiệm, có thêm góc nhìn hoặc đi đây đó, gặp nhiều người hơn, mình cũng cần phải đảm bảo sức khỏe tốt cả thể chất lẫn tinh thần.
Từ đó mình mới có được nguồn năng lượng sáng tạo dồi dào để sản xuất ra những nội dung hay hơn.
Mình nghĩ, đôi khi mình cần cho phép bản thân có một khoảng nghỉ hoặc ít nhất đừng thấy có lỗi khi mình không liên tục có được nội dung mới.
Đối với mình, hiện tại mình đã có đủ kinh nghiệm để tối ưu hóa quy trình sản xuất nội dung rồi. “Work smarter, not harder” làm sao mình có thể tối giản được chi phí về thời gian và năng lượng nhưng lại có thể tối đa hóa được cả về số lượng lẫn chất lượng nội dung của mình.
Đây là một bài toán khó, nhưng cũng là một thử thách đối với những ai muốn có cho mình một bước tiến từ nghiệp dư lên chuyên nghiệp thì họ cần tìm ra được cho mình câu trả lời.
5. Khi công việc sáng tạo của anh không được đánh giá cao hay nhận được phản hồi như mong đợi, anh sẽ làm gì để không bị mất niềm tin và tiếp tục theo đuổi?
Mình luôn chuẩn bị cho bản thân một mindset vừa học vừa làm. Mình xem quá trình mình làm nội dung cũng đồng thời là một quá trình học tập.
Trong tâm lý học thường gọi là growth mindset (tư duy cầu tiến hay tư duy phát triển). Thông qua những nội dung mình làm mình dần hoàn thiện những kỹ năng sáng tạo, vượt qua được nỗi sợ để trở nên bản lĩnh hơn.
Như khi nội dung của mình bị flop mình cũng học được mình làm chưa tốt ở đâu? Mình có thể cải thiện những gì? Để lần sau mình có thể làm tốt hơn.
Mình cần có những trải nghiệm, những thất bại nho nhỏ như vậy để mình học được những bài học mới, vì thế nên hãy cứ làm, nếu như mình cứ làm thì không có gì thực sự là thất bại cả.
Kể cả khi flop nó cũng là sự thành công ở mức độ nào đó giúp mình có thêm insight mới. Về bản thân mình và những người theo dõi của mình.
Niềm tin về bản thân mình có khá nhiều nhưng mà mình nghĩ một yếu tố không hề nhỏ giúp cho mình kiên trì được với hành trình sáng tạo nội dung này vì “tư duy đường dài” (long - term thinking).
Nếu mình càng tiếp tục theo đuổi mình sẽ càng đạt được nhiều dấu mốc mới. Hoặc gặt hái được những thành quả chất lượng hơn.
Vì vậy mình tin rằng phía trước mình sẽ vẫn có nhiều điều tốt đẹp hơn nữa, chỉ là mình có dám đi tiếp hay không thôi.
Kết nối thêm với anh Hà Minh tại đây
Mời bạn đọc thêm: